Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động
07:26 27/06/2024
(VINEN) - Trong 2 ngày 26 và 27 tháng 06 năm 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức chuỗi sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024. Diễn đàn hướng tới quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng người thực hành nghề luật, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và đang triển khai các hoạt động đầu tư quốc tế.
Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là điểm sáng và là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, giúp Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách, chiến lược phát triển nhằm tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Lũy kế đến 20/04/2024, Việt Nam đã có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22,22 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 39,4%), hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 21,5%) và xây dựng (chiếm 20%) . Việc tăng cường dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đã góp phần khẳng định Việt Nam là khu vực kinh tế năng động, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế nói riêng cũng như quan hệ chính trị, xã hội và ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư nói chung.
Theo đó, với mong muốn mở ra một diễn đàn trao đổi thông tin bổ ích, tập trung thảo luận và giải quyết những mối lo ngại của nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy việc sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024. VIAC SYMPOSIUM 2024 sẽ xoay quanh chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”, theo đó các phiên thảo luận sẽ tập trung xem xét, đánh giá về những biến động kinh tế hiện nay cũng như trao đổi về các biện pháp thích hợp để vượt qua những trở ngại đó.
Diễn đàn hướng tới quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng người thực hành nghề luật, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và đang triển khai các hoạt động đầu tư quốc tế. Cũng trong khuôn khổ VIAC SYMPOSIUM 2024, VIAC cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương sẽ tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác để ghi nhận các nội dung hợp tác đồng thời hướng tới triển khai các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Trong đó, trọng tâm của VIAC SYMPOSIUM 2024 là sự kiện ra mắt Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến của VIAC. Hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tiếp tục là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, “ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia” là chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ. Trong lĩnh vực tư pháp, hệ thống Tòa án hiện đang là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chủ trương trên và bước đầu đã tạo dựng được những nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử.
Là tổ chức cung cấp các phương thức bổ trợ tư pháp – giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải và các phương thức khác theo quy định pháp luật, VIAC luôn đặt trọng tâm và dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp tại Trung tâm. Ngay từ đầu năm 2018, VIAC đã thực hiện nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động chuyển đổi số của Tòa án cũng như kinh nghiệm từ quốc tế và bước đầu hình thành rõ nét ý tưởng về việc xây dựng một nền tảng trực tuyến giúp Hội đồng trọng tài, ban thư ký, các bên tranh chấp và chủ thể liên quan trong một thủ tục trọng tài có thể quản lý một cách hệ thống và hiệu quả các vụ tranh chấp.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ “Là tổ chức trọng tài và hòa giải hàng đầu tại Việt Nam, trong những năm gần đây, bên cạnh việc giải quyết tranh chấp, VIAC đã liên tục tổ chức các sự kiện với các quy mô lớn nhỏ hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau với mục tiêu đưa phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến như Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải Thương mại Việt Nam (VAW), Chuỗi sự kiện về Trọng tài (VAS), Chuỗi sự kiện về Trọng tài và Hòa giải (AMS), Chuỗi sự kiện về quản trị pháp lý (LMS). Tiếp nối thành công của các chuỗi sự kiện trọng điểm trên, VIAC SYMPOSIUM 2024 được tổ chức lần đầu tiên và sẽ tiếp tục trở thành một trong những sự kiện quan trọng của VIAC, tạo diễn đàn để cộng đồng ADR Việt Nam chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cung cấp thông tin bổ ích trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý trong kinh doanh tại Việt Nam”.
Bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu - Trưởng nhóm Phát triển Kinh tế, Cố vấn về hợp tác với khối tư nhân, USAID/Vietnam cũng chia sẻ “USAID nỗ lực hỗ trợ Việt Nam để đảm bảo Việt Nam hoạt động hiệu quả và toàn diện trong việc giải quyết các thách thức phát triển của chính mình, bao gồm xây dựng một hệ thống trọng tài minh bạch, hiệu quả và hiện đại. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đầu tư trong và ngoài nước cũng như các hoạt động thương mại đa phương trong kỷ nguyên số, giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp thúc đẩy môi trường bền vững. Thị trường kinh doanh minh bạch, công bằng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam”.
Theo đó, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), VIAC đã phát triển Nền tảng nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến – một nền tảng với nhiều cải tiến nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Thêm vào đó, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp; từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính./.
Hoa Dơn - Hữu Hưởng