Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động cơ tăng trưởng nền kinh tế
15:38 25/01/2024
Nghị quyết 41 là điểm tựa để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực mới để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.
Những năm gần đây, doanh nghiệp khởi nghiệp được coi là động cơ tăng trưởng cho cả nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Doanh nghiệp khởi nghiệp còn có vị trí đặc biệt được đặt trong mối quan hệ tổng hòa với các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Do vậy, việc tạo ra các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và môi trường thể chế thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đã trở thành một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển quốc gia.
Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia năm 2023
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng. Đồng thời, đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương từng nhấn mạnh tại Diễn đàn khởi nghiệp Quốc gia 2023 rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp phát triển luôn là động lực quan trọng phát triển quốc gia. Đặc biệt, trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động ngày càng sâu sắc, toàn diện đến tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đề ra tầm nhìn đến năm 2025 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á, ông Nguyễn Đức Hiển khẳng định.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 nhấn mạnh yêu cầu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các ngành, các cấp. Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của VCCI cũng như các tổ chức đại diện cho tổ chức doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng chia sẻ tại Chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2023 rằng, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả trong khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế theo nhiều mô hình đa dạng, phong phú. Khoảng 20 địa phương đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp trên cả nước đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế có hoạt động hoặc phối hợp để vận hành các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam xếp thứ 58 trên bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Tuy vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển. Ngoài các hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ, Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần có các Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là các thành quả trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống, từ địa phương, trung ương, từ khu vực doanh nghiệp và cả từ các tổ chức quốc tế, ông Trung Nghĩa nhận định.
Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Trong đó, tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia.
Đề cập đến mục tiêu: Năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần coi trọng thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tăng năng suất lao động.
Theo Bích Phương Diendandoanhnghiep.vn