Năm 2021, vốn đầu tư vào start-up đạt mốc kỷ lục gọi vốn 1,35 tỷ USD, biến Việt Nam trở thành thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn bậc nhất trong khu vực.
Ảnh Chương trình Diễn đàn khởi nghiệp (minh hoạ)
Thung lũng khởi nghiệp mới
Số liệu mới nhất từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong năm 2021, vốn đầu tư rót vào start-up tại Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,35 tỷ USD. Các lĩnh vực nóng bỏng, thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính (Fintech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử… Đến nay,Việt Nam đã có khoảng 3.800 start-up, với 2 kỳ lân (VNG, VNLife) và 11 start-up được định giá trên 100 triệu USD (Momo, Tiki, Topica Edtech…).
Những thương vụ lớn gây ấn tượng mạnh với thị trường như: Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD, VNLife 250 triệu USD, Sky Mavis 152 triệu USD, MoMo 100 triệu USD, Equest 100 triệu USD… Bên cạnh đó, hơn 100 vòng Pre-seed, Seed, Pre-series A và Series A với số tiền dao động từ 500.000 USD đến 3 triệu USD. Thậm chí, một số start-up như Loship, Citics, Sky Mavis… đã công bố gọi vốn thành công đến 2 lần trong năm nay, tạo ra nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho khởi nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh bao trùm.
Thị trường start-up Việt Nam cũng là địa chỉ ưa thích của 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Những tên tuổi quỹ lớn và tích cực hoạt động trên thị trường gồm VSV Capital – Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Start-up Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans, Do Ventures và Genesia Ventures.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ Đầu tư Do, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, có lợi thế dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mới nổi đông. Bên cạnh đó, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đạt gần 70 triệu, tỷ lệ sử dụng di động vào khoảng 70% dân số. Đó là nguyên nhân khiến Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận xét, trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với nền dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.
Nguồn: Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đồ họa: Thanh Huyền
Hứa hẹn bùng nổ
Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate đã nhận định, Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022. “Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm”, Báo cáo “Southeast Asia Ecosystem 2.0” của Golden Gate Ventures viết.
Từ lực đẩy bùng nổ các thương vụ gọi vốn trong năm 2021, bà Lê Hàn Tuệ Lâm dự đoán dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào start-up Việt sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, nhưng sẽ có sự phân hóa.
Tương tự, ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI Holdings cho rằng, dòng vốn tăng lên trong năm 2022, nhưng các nhà đầu tư sẽ lựa chọn khắt khe hơn.
“Covid-19 gây khó khăn cho nhiều ngành, nhưng cũng tạo ra thuận lợi cho một số ngành khác. Trong bối cảnh này, công ty nào có khả năng sống sót đến cuối cùng sẽ là người hưởng lợi”, ông Tâm nói.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, một số ngành đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như: N2TP (Layer 2 Tunneling Protocol) ở lĩnh vực Medtech, GIMO trong lĩnh vực Fintech được đầu tư bởi BK Fund, hay Propzy trong lĩnh vực Proptech được đầu tư bởi FEBE Ventures. Bên cạnh đó, logistics cũng là mối quan tâm của nhà đầu tư.
Ảnh Chương trình Diễn đàn khởi nghiệp (minh hoạ)
Năm 2021, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của Việt Nam như một quốc gia tiên phong trong phát triển game blockchain, đón đầu trào lưu Metaverse (vũ trụ ảo). Trong đó, sự quật khởi của Axie Infinity, My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena, Sipher, HeroFi… đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, start-up Việt. Trên thực tế, hàng loạt dự án game blockchain đã thu hút vốn đầu tư tới hàng trăm triệu USD như Sky Mavis, song lĩnh vực này vẫn chưa được Nhà nước công nhận và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Các quỹ đầu tư lớn nhận định, năm 2022 sẽ là năm bùng nổ của làn sóng Metaverse. Việt Nam sẽ là thủ phủ mới của làn sóng này.
Lấy ví dụ về sự thành công của tựa game Axie Infinity, ông Đào Quang Bính, Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021 cho rằng, công nghệ đang thay đổi nhanh hơn rất nhiều so với sự thay đổi của chính sách. Các công ty về blockchain Việt Nam không hề thua kém các nước khác. Vấn đề hiện nay là cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đồng hành để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, phát triển lĩnh vực này lên một bước tiến mới. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, khi mà nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến công nghệ mới của Việt Nam đã phải sang các nước khác để khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) cho biết, AI, Big Data, 5G, IoT, tự động hóa được đánh giá là những xu hướng công nghệ mới trong năm nay. Covid-19 được xem là phép thử, nhưng cũng là cú hích thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ. Trong đại dịch, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam vẫn bùng nổ. Để nắm bắt cơ hội thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc đầu tư công nghệ, Việt Nam cần sớm hoàn thiện nền tảng pháp lý để mở đường và khuyến khích đầu tư, xây dựng, kết nối nguồn lực trong nước cũng như quốc tế.
Theo Tú Ân - Báo Đầu Tư