VCCI khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng với Canada, là cầu nối giúp doanh nghiệp Canada kinh doanh, đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể Kỳ họp lần II Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam – Canada tại trụ sở Bộ Công Thương, chiều 27/3.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh tham dự phiên họp toàn thể Kỳ họp lần II Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam – Canada tại trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Thu Huyền
Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã tăng trưởng tích cực, vượt trội so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài
Từ năm 1980 đến nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp hơn 50 lần, đứng thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng (chỉ sau Trung Quốc). Nếu năm 2010 Việt Nam mới gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, thì sau 14 năm liên tục tăng trưởng kinh tế ở mức cao, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất trong khu vực về đầu tư và thương mại với 16 Hiệp định Thương mại tự do được ký kết với các khu vực và quốc gia lớn trên thế giới trong đó có các nước ASEAN, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mexico, Chile…
“Trên thực tế, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Riêng trong năm 2023, Việt Nam thu hút 23,2 tỷ USD vốn FDI, tương ứng với khoảng 5,3% GDP. Đây là mức cao thứ hai trong khu vực Asean, sau Singapore. Lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất trong nền kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo, luôn chiếm hơn 60%”, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nói.
Về thương mại, Việt Nam đã và đang tham gia mạnh mẽ và ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt 683 tỷ USD, lọt top 23 thế giới về kim ngạch xuất khẩu.
Quy mô thương mại quốc tế của Việt Nam nhiều năm gần đây đã đạt trên 200% GDP. Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh là điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may, da giầy, nông sản, lâm sản… Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là những thị trường hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vẫn theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Canada là một đối tác vô cùng quan trong. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2024), cùng với nhu cầu giao lưu văn hóa, tri thức giữa hai nước, nhu cầu giao thương đã phát triển mạnh mẽ, giúp cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Canada trở thành mối quan hệ cốt lõi trong thời gian qua.
Đặc biệt, kể từ khi hai nước trở thành đối tác toàn diện đặc biệt năm 2017 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà cả Việt Nam và Canada đều là thành viên, có hiệu lực từ năm 2018, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam vào Canada đã có những bước “nhảy vọt” ấn tượng.
Cụ thể, năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới chỉ đạt gần 3,9 tỷ USD, sau 5 năm thưc thi CPTPP, con số này đã tăng lên hơn 61%, đạt trên 6,2 tỷ USD năm 2023.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, lạm phát cao, khủng hoảng về logistics… CPTPP đã đóng góp quan trọng vào việc giữ kim ngach xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt tăng trưởng bình quân gần 11%/năm giai đoạn 2019-2023.
“Canada là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất trong số các thị trường đối tác của Hiệp định này”, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh bày tỏ.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định,Canada là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất trong số các thị trường đối tác của Hiệp định này.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định, Canada là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất trong số các thị trường đối tác của Hiệp định này. Ảnh: Thu Huyền
Theo Khảo sát doanh nghiệp năm 2020 của VCCI, có tới trên 50% số doanh nghiệp từng xuất nhập khẩu với các thị trường CPTPP trong giai đoạn đầu cho biết đã có ít nhất 1 lô hàng xuất/nhập khẩu được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan CPTPP với thị trường Canada, cao nhất trong số 10 thị trường đối tác của Việt Nam trong CPTPP.
Với những kết quả này, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về đầu tư, Canada đứng thứ 14/143 nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, và nhiều thương hiệu nổi tiếng của Canada dẫn đầu là như Sunlife, Manulife, Dan-D Foods, CAE, GeoComply...đã trở nên quen thuộc trên thị trường Việt Nam.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể trong thời gian qua, song Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh tin rằng trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và hoàn toàn có thể đạt mức 10 tỷ USD - như Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Justin Trudeau đã thống nhất tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G7 tại Nhật Bản tháng 5/2023.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta có thể trông đợi quy mô kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD trong vòng 20 năm tới.
Tương lai này cho thấy hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Canada có rất nhiều dư địa cũng như cơ hội để tăng trưởng và phát triển.
“Đến với Việt Nam không chỉ là thị trường của 100 triệu dân, mà Việt Nam còn là cửa ngõ giúp doanh nghiệp Canada xâm nhập thị trường ASEAN cũng như Canada là cửa ngõ để doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN xâm nhập thị trường Bắc Mỹ”, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định.
4 đề xuất từ VCCI
Cũng tại phiên họp này, thay mặt cộng động doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nêu một số đề xuất cho sự hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Canada đứng thứ 14/143 nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền
Thứ nhất, doanh nghiệp hai nước hãy chủ động, sáng tạo và gắn kết hơn nữa để nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong những lĩnh vực hai bên còn rất nhiều dư địa hợp tác, đầu tư.
Cụ thể, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính, dệt may, giày dép, đồ nội thất, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nhựa, cao su...
Trong khi, Canada có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam ngũ cốc, hóa chất, thiết bị y tế, các sản phẩm về thịt, phân bón, đậu nành, nhiên liệu khoán... Việt Nam rất hoan nghênh các doanh nghiệp Canada tăng cường hợp tác trong lĩnh vực IT, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, start up; hợp tác doanh nhân nữ; chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Thứ hai, trong lĩnh vực phát triển bền vững, để hướng tới một nền kinh tế thịnh vượng, xanh hơn và hạn chế phát thải hơn là mục tiêu chung, tầm nhìn chung và ưu tiên chung mà cả Việt Nam và Canada đã xác lập.
“Tôi được biết, trong thỏa thuận đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) mà Việt Nam ký kết với các nước G7, Canada sẽ huy động 15,5 USD để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam trong 3-5 năm tới”, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nói.
Đây là một trong nhiều hoạt động hợp tác nằm trong các nỗ lực thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu của hai quốc gia.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2022, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát.
Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát. Việc chuyển đổi trong cơ cấu năng lượng không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, mà còn cần chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ - lĩnh vực mà sự hợp tác giữa Việt Nam và Canada có nhiều tiềm năng để khai phá.
Thứ ba, Canada và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác trên nhiều phương diện khác như nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi số hướng tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn, tăng cường giao lưu giữa cộng đồng doanh nghiệp 2 nước để trao đổi kinh nghiệm, phát triển các quan hệ đối tác giúp thúc đẩy kinh doanh bền vững...
Thứ tư, Chính phủ hai nước thúc đẩy tăng cường tận dụng hiệu quả hơn nữa CPTPP, đồng thời ủng hộ tăng tốc đàm phán, ký kết thêm các thỏa thuận thương mại mới (như FTA Canada-ASEAN), qua đó mở thêm các lựa chọn ưu tiên cho doanh nghiệp hai Bên.
Với chức năng và nhiệm vụ là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế trong đó có Canada.
"VCCI khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng với Canada, đồng thời cũng là cầu nối giúp các doanh nghiệp Canada để kinh doanh và đầu tư hiệu quả tại Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Canada", Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định.
Bài: NGUYỄN VIỆT- Ảnh: THU HUYỀN (DĐDN)