Toàn văn bài phát biểu của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc – Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội về Đại hội Du lịch Quốc gia.
17:30 19/10/2023
(VINEN) - Toàn văn bài phát biểu của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc – Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam (VINEN) tại Hội nghị Công nghiệp Du lịch Quốc gia, Hà Nội ngày 7/10/2023
Vào đầu những năm 2000, chính phủ Việt Nam đã đặt hàng một nhóm học giả hàng đầu của trường đại học Harvard, Hoa Kỳ xây dựng một báo cáo về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu được dẫn dắt bởi các giáo sư rất am hiểu Việt Nam là Giáo sư Dwight H. Perkins và Giáo sư David Dapice. Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra một câu hỏi và cũng là một khuyến nghị quan trọng: “Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới?” Giáo sư Philip Kotler là cha đẻ của lý thuyết marketing hiện đại cũng nhiều lần nhắc tới khuyến nghị này. Lúc đó các chuỗi cung ứng toàn cầu đang trong quá trình định hình và Trung Quốc đang trở thành “công xưởng” của thế giới, Ấn Độ trở thành “văn phòng” của thế giới. Việt Nam, theo khuyến nghị của các học giả hàng đầu, nên trở thành “bếp ăn” của thế giới.
Tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, khủng hoảng lương thực trên thế giới đang nhãn tiền, yêu cầu hình thành các vành đai lương thực, thực phẩm an toàn cho các quốc gia đang trở thành vấn đề hệ trọng, thì phát triển một nền nông nghiệp hiện đại gắn liền với công nghiệp chế biến và có giá trị gia tăng lớn là một lợi thế tuyệt vời của Việt Nam. Bên cạnh đó phát triển du lịch cộng sinh với thế mạnh này cũng là một tiềm năng lớn.
Việc định vị thương hiệu như vậy đã nhấn mạnh hai lợi thế cạnh tranh cốt lõi của việc của Việt Nam là phát triển nông nghiệp - trở thành “vựa lúa” (gắn với ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản với giá trị gia tăng lớn) và du lịch phát huy lợi thế “bếp ăn” của thế giới với những giá trị ẩm thực đặc sắc. Tất nhiên, lợi thế phát triển du lịch không chỉ có nền ẩm thực đặc sắc và đằng sau nó là một nền nông nghiệp phong phú đa dạng, các tài nguyên, di sản thiên nhiên và các giá trị nhân văn vô giá của của dân tộc Việt. Với vị thế địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt, Việt Nam là mảnh đất giao thoa và đối thoại của các nền văn minh lớn, là nơi hội tụ các giá trị văn hoá Đông Tây Kim Cổ, đó là một tài nguyên lớn.
Trong xu hướng các nền tảng gia đình đang bị lung lay, và xu hướng suy giảm dân số đang là một trong những nguy cơ lớn nhất ở nhiều nước trên thế giới thì việc phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, khuyến khích sự sinh sôi nảy nở đang được giữ gìn và phát huy ở Việt Nam. Bên cạnh việc du nhập các tôn giáo và các giá trị văn hóa lớn của nhân loại, Việt Nam rất giàu có các tín ngưỡng và văn hóa bản địa mà tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đề cao Đạo Mẫu, gắn kết gia đình, là những cái đức tin vô cùng quý giá của người Việt.
Việt Nam cũng đang kể cho thế giới câu chuyện “Chiến tranh và Hòa bình”, câu chuyện hóa giải “chiến trường” thành “thương trường”, câu chuyện “chuyển thù thành bạn”, câu chuyện “về một nền ngoại giao cây tre” để “làm bạn với năm châu”...Với công cuộc đổi mới, chuyển từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, chúng ta cũng kể cho thế giới câu chuyện thoát nghèo vĩ đại, đưa được hàng chục triệu đồng bào mình, từ khu vực nông nghiệp nông thôn với năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ với năng suất cao hơn và đưa Việt Nam từ một trong những đất nước nghèo khó bậc nhất trên thế giới, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề , trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang trong hành trình trở nên giàu có. Những câu chuyện đó, cùng các điều kiện địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hoá giàu có… đã tạo nên tiềm năng du lịch rất phong phú cho Việt Nam. Chúng ta là đất nước có bờ biển dài và đẹp, nhiều vùng rừng núi hoang sơ với những hang động đẹp, nhiều công trình kiến trúc cổ kính và nhiều lễ hội đặc sắc. 54 dân tộc anh em là 54 câu truyện đẹp của đất nước này. Các giáo sư Hoa Kỳ đã rất có lý để nhấn mạnh lợi thế phát triển du lịch Việt Nam mà “ bếp ăn của thế giới”, cả trên ý nghĩa ẩm thực và tinh thần, là một thương hiệu có tính chất khái quát sâu sắc. Những gợi ý này được đưa vào đầu những năm 2000, nhưng dường như đã bị lãng quên ngay sau đó. Và rồi, sau hơn chục năm sau, trong một chuyến đi công tác tại Thái Lan, tôi mới giật mình, thấy Thái Lan đã sử dụng chính slogan này để quảng bá cho du lịch Thái – “Thailand – The kitchen of the World”. “Thái lan – Bếp ăn của thế giới” chứ không phải Việt Nam. Tôi thấy có phần tiếc nuối. Thái Lan làm du lịch tốt hơn ta.
Nói về tiềm năng du lịch của Việt Nam. Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 20 Quốc gia có tiềm năng lớn nhất về du lịch, các bãi biển của Việt Nam được xếp trong nhóm 15 các bãi biển đẹp của thế giới và ẩm thực Việt Nam nhất là “ẩm thực đường phố” luôn được xếp ở Top đầu. Các di sản văn hóa và nhân văn của Việt Nam như chúng ta đã đề cập ở trên, là vô giá.
Tiềm năng là như vậy - chúng ta luôn ở top đầu. Nhưng năng lực cạnh tranh, năng lực phát triển du lịch của chúng ta lại chỉ ở mức “thường thường bậc trung” trong xếp hạng của thế giới. Năm 2021, dù chúng ta đã tăng 8 bậc so với năm 2019, và là một trong những quốc gia có tốc độ cải thiện nhanh nhất nhưng năng lực phát triển du lịch của chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở thứ hạng 52 trong tổng số 117 quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Năm 2017, Đảng ta đã có một Nghị quyết riêng về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ cũng đã có nhiều Nghị quyết và chương trình hành động về phát triển Du lịch.
Dù ngành Du lịch đã có những bước phát triển quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển Kinh tế - đóng góp tới gần 10% trong GDP và có tác động liên ngành to lớn, góp phần tạo ra tới 5 triệu việc làm trong nền kinh tế. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Trong các chỉ số thành phần Bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì về chính sách, họ đánh giá cao môi trường Du lịch đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh an toàn, y tế, vệ sinh. Các yếu tố về thể chế, chính sách cho phát triển du lịch chỉ mới đạt ở mức trung bình. Hạ tầng cho phát triển du lịch còn được xếp ở thứ hạng rất thấp. Và chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý một vài điều ở các chỉ số phụ, mà thật ra, tôi nghĩ không là phụ chút nào vì chính các chỉ số này đang định hình, định hướng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Năng lực cạnh tranh về giá của Việt Nam được đánh giá cao (xếp thứ hạng 22), và du lịch Việt Nam hiện đang chủ yếu cạnh tranh về giá, hay phát triển du lịch giá rẻ, giá trị gia tăng thấp. Chỉ số phát triển bền vững thì chỉ¬¬ đạt vị thế quá thấp ở mức 132/141 quốc gia. Đó là điều mà chúng ta không thể không trăn trở. Tuy vậy, tôi cũng còn hoài nghi về đánh giá của tổ chức này về chỉ số nguồn lực tự nhiên và văn hóa của ngành du lịch của Việt Nam không cao, tôi cho rằng điều này, không tương thích với việc xếp hạng của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín về tiềm năng du lịch của Việt Nam, đã trình bày trên đây. Và một nguyên nhân quan trọng ở đây chính là năng lực tiếp thị, quảng bá quốc gia về du lịch Việt Nam, chúng ta còn làm chưa tốt, đặc biệt là ở khía cạnh quảng bá về tài nguyên tự nhiên và nhân văn vô giá của chúng ta. Sự phối hợp liên ngành giữa chính quyền các địa phương và các cơ quan văn hoá, du lịch, ngoại giao, thương mại, đầu tư và các cơ quan khác của chúng ta còn yếu. Tôi cũng cho rằng: Cơ quan Tổng hành dinh về du lịch của nước ta còn chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về Du lịch có nêu yêu cầu nâng cao năng lực, trách nhiệm, quyền hạn của Tổng cục Du lịch. Nhưng chúng ta biết là, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về du lịch ở nước ta cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Trước đây là cơ quan này là Tổng Cục Du lịch trực thuộc Chính phủ, đã được sát nhập và Bộ Công thương sau này vào Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và thời gian gần đây đã chuyển thành cấp Cục Du lịch Quốc gia thuộc Bộ này. Thể chế, chính sách phát triển Du lịch còn chưa đồng bộ, chưa đột phá. Ngành kinh tế Du lịch còn manh mún. Chúng ta có quá ít các doanh nghiệp lớn làm về du lịch. Các thương hiệu, quốc gia về thương mại thì nhiều về du lịch thì còn ít. Du lịch chưa được đối xử thực sự như một ngành mũi nhọn, chưa được tích hợp có hiệu quả như một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Các yếu tố văn hoá, lịch sử, tâm linh chưa thấm đẫm trong du lịch…
Chừng nào mà ngành du lịch của chúng ta còn chủ yếu cạnh tranh bằng giá, có nghĩa là phát triển du lịch giá rẻ với giá trị gia tăng không lớn, thì chừng đó chúng ta không thể tạo ra bước phát triển bứt phá trong ngành du lịch và ngành du lịch của chúng ta, suy cho cùng cũng chỉ là ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp khác cộng sinh và bổ trợ cho công nghiệp du lịch.Và tôi nghĩ phát triển du lịch thời gian tới cần tập trung vào khắc phục những điểm nghẽn này. Chúng ta cần tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vục du lịch và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, do vậy, đang có dư địa và tiềm năng rất lớn. Và do vậy, Đại hội Du lịch Quốc gia của chúng ta đặt trong chuỗi Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng.
Phát triển du lịch cần nhấn mạnh tới hệ sinh thái và chuỗi giá trị du lịch. Cần có hệ thống thể chế, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực có kỹ năng. Hệ sinh thái phát triển du lịch cần có những doanh nghiệp đầu đàn gắn kết với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh, trong các chuỗi cung ứng. Cần phải đưa được câu chuyện văn hóa, câu chuyện nhân văn, thổi hồn vào các tour và các điểm đến du lịch. Và chúng ta nhớ rằng trong phát triển du lịch, thì việc đối xử với ngành du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp, kết hợp xúc tiến văn hoá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng. Chúng ta biết rằng, các đối tác đầu tư, các bạn hàng thương mại đến Việt Nam ở giai đoạn khởi đầu hầu hết đều qua những tour du lịch kết hợp tìm hiểu thị trường, gặp gỡ đối tác kinh doanh. Muốn phát triển du lịch thì cần phải phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, tạo nên nội hàm mở của ngành du lịch. Du lịch homestay gắn liền với những hộ kinh doanh nhỏ, trải nghiệm văn hoá bản địa gắn với cuộc sống gia đình, cộng đồng bản địa cũng là một xu hướng chúng ta cần quan tâm thúc đẩy.
Bên cạnh sự chuyên nghiệp, những xu hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường và kinh tế số cũng cần được ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực du lịch. Chúng ta khuyến khích những mô hình kinh doanh mới, những mô hình bất động sản mới dành cho du lịch. Chúng ta rất mừng ,trong quá trình dự thảo, sửa đổi Luật Bất Động sản lần này dự kiến sẽ có các quy định cụ thể hướng dẫn chính thức hoá loại hình bất động sản du lịch như Condotel… để tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch. Chúng ta cũng vừa có bước tiến đột phá trong việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, kéo dài thời hạn visa, rồi miễn visa theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác là một nỗ lực rất được hoanh nghênh. Các chính sách này đã có bước đột phá tuy nhiên cần phải tiếp tục cập nhật các xu hướng diễn biến trên thế giới để có thể tiếp tục cải tiến, cởi mở hơn để đảm bảo năng lực cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực chính sách, thể chế và thủ tục cho phát triển du lịch và giao lưu quốc tế của chúng ta.
Cuối cùng, và tôi cũng cho rằng đây là vấn đề quan trọng là chúng ta phải làm tốt hơn công tác quảng bá xúc tiến quốc gia về du lịch. Sự chuyên nghiệp trước hết phải bắt đầu trong lĩnh vực này đặc biệt là quảng bá và khai thác tốt hơn các giá trị văn hóa lịch sử, chúng ta phải kể cho thế giới câu chuyện của Việt Nam để làm nên hồn cốt cho nền du lịch mới. Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng rất cần thiết trong lĩnh vực này. Du lịch là không gian mênh mông cho những ý tưởng sáng tạo.
Để khép lại, tôi muốn trở lại ấn tượng của tôi về các Show diễn có chiều sâu và đầy sáng tạo “Ký ức Hội An”, hay “Tinh hoa Việt Nam”, “Tinh hoa Bắc Bộ” … được khách du lịch và báo chí công luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao như là một trong những điển hình tiên phong trong đầu tư cho du lịch văn hoá. Tôi cũng đánh giá cao những cơ sở hạ tầng du lịch đẳng cấp mà các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch đã đầu tư. Hiện nay một số tỉnh thành phố đang nỗ lực xây dựng những câu chuyện, hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng du lịch có hiệu quả và đây sẽ là một trong những hướng đi tôi thấy rất cần khuyến khích trong việc thúc đẩy những mô hình du lịch mới trong thời gian tới và những câu chuyện như vậy của từng vùng miền địa phương được xây dựng để kể những câu chuyện về đất nước, địa phương mình, bên cạnh việc quảng bá những di tích lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, công trình kiến trúc. Điều này rất cần thiết cho chúng ta để giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, giáo dục cho con cháu và chia sẻ cho bạn bè quốc tế. Du lịch là con người, là văn hóa, là cộng đồng, là bảo vệ môi trường. Các giá trị cốt lõi đó của ngành du lịch là các giá trị chúng ta cần theo đuổi. Du lịch là hoạt động đặc biệt quan trọng để tiếp thị Việt Nam. Trở lại câu chuyện về tiếp thị Việt Nam, tôi muốn nhắc lại câu chuyện đầu những năm 90 khi chúng ta đang rất nỗ lực để bình thường hóa mối quan hệ với Hoa Kỳ, và lúc đó cũng có nhiều chính khách và công chúng Hoa Kỳ còn có nhiều ý kiến khác nhau, ký ức về chiến tranh Việt Nam còn là điều ám ảnh nặng nề với họ. Tôi nhớ, cố thứ trưởng ngoại giao Lê Mai đã đưa ra một thông điệp quảng bá Việt Nam không gì thích hợp hơn trong lúc đó, Ông Lê Mai nói rằng: “Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh, Việt Nam là một đất nước” - “ Viet Nam is not a war, Viet Nam is the country” và thông điệp này đã góp phần lay động sự thức tỉnh trong công chúng Mỹ để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Sức mạnh của thông điệp là như vậy. Bây giờ, để thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với thế giới, chúng ta đang tiếp tục truyền tải đi những thông điệp mạnh mẽ ra thế giới. Việt Nam không phải là một cuộc chiến, Việt Nam là một đất nước hoà bình thân thiện, Việt Nam là một công cuộc đổi mới và phát triển, Việt Nam là bạn của muôn phương, Hãy đến với Việt Nam, Việt Nam vẻ đẹp bất tận, Việt Nam bếp ăn của thế giới. Những thông điệp như thế là rất cần thiết. Các địa phương cũng có thể có những thông điệp riêng của mình…
Hôm nay, chúng ta gặp mặt nhau ở đây trong Diễn đàn Du lịch Quốc gia, tôi hoanh nghênh đại diện các địa phương, các Bộ, Ngành, các vị khách quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, truyền thông đã về dự. Tôi đặc biệt hoan nghênh các địa phương trong thời gian qua đã nỗ lực phát triển hệ sinh thái và chuỗi giá trị phát triển du lịch của mình. Nhưng chúng ta cần hơn những nỗ lực hợp tác liên vùng, liên ngành, liên cấp và đổi mới sáng tạo hơn, hy vọng rằng Hội nghị của chúng ta sẽ đưa ra những sáng kiến và những kiến nghị và các kết nối cụ thể liên quan tới sự hợp tác này hy vọng Đại hội Du lịch Quốc gia sẽ được tổ chức thường xuyên. Và Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia xin đóng vai trò là 1 nhịp cầu cho sự phối hợp liên kết và đổi mới sáng tạo ngành du lịch theo hướng đó.
Xin trân trọng cảm ơn!
TS.Vũ Tiến Lộc