THE STORIESNTM Leslie Đỗ: Mong ước để ngành tóc Việt ngày càng chuyên nghiệp!
13:38 19/01/2024
Là Hairstylist đã “thổi hồn” vào mái tóc cho không ít những người nổi tiếng như: Lý Nhã Kỳ, H’Hen Niê, Hoàng Thùy, Tiêu Ngọc Linh, Triệu Thị Hà, Trà My… và cũng là người phụ trách tạo mẫu tóc và trang điểm cho các thí sinh, người mẫu trong nhiều chương trình, sự kiện, game show: Vietnam Next Top Model 2011, Vietnam Fashion Week 2011, Hoa hậu Hoàn vũ 2015, Lễ Hội Anh Quốc 2018 và Tuần lễ thời trang tốt nghiệp của Học viện thời trang London… Leslie trở thành cái tên không thể không nhắc đến đằng sau cánh gà của những chương trình về thời trang hàng đầu Việt Nam. Hãy cùng Hairworld tìm hiểu nghề “Tạo mẫu tóc” và hành trình trở thành “người thổi hồn cho mái tóc” cùng NTM Leslie Đỗ – Đỗ Hiếu Hân.
Sau một khoảng thời gian dài về Việt Nam làm việc và đào tạo học trò, anh thấy ngành tóc Việt Nam hiện nay ra sao?
Ngành tóc Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển cực kỳ sôi động và ngày càng chuyên nghiệp. Nếu trước đây, việc đào tạo mang tính chất “truyền nghề”, thì trong 10 năm trở lại đây đã được dần dần thay thế bởi các phương pháp đào tạo bài bản, có trường lớp, giáo trình cụ thể, tiệm cận và dần dần hội nhập với các phương pháp đào tạo trên thế giới. Để có được sự chuyển mình rõ rệt thế, phải cảm ơn các hãng mỹ phẩm tóc chuyên nghiệp đã mang các nền tảng đào tạo đó về Việt Nam cùng với những giảng viên đẳng cấp quốc tế. May mắn là Leslie cũng đã được trải nghiệm những điều đó tại Na Uy trong suốt nhiều năm. Khi quay trở về Việt Nam và tham gia vào hoạt động đào tạo, Leslie nhận thấy các em cũng đã có tư duy nền tảng rất tốt rồi. Vì vậy, việc truyền thụ các phương pháp sáng tạo và phát triển cho các em cũng dễ dàng hơn.
Với tay nghề khéo léo, tôi tin rằng ngành tóc Việt Nam sẽ nhanh chóng hòa nhập được cùng dòng chảy của thế giới. Nghề tóc đã là một nghề được công nhận giảng dạy trong nền giáo dục Việt Nam, được thế giới công nhận.
Ngành tóc Việt Nam ngày càng sôi động và có những nhân tố tiềm năng, có đủ thực lực để “tấn công” các cuộc thi quốc tế và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ, theo anh thì nguyên nhân vì đâu?
Rất đơn giản. Người Việt Nam rất giỏi nhưng thiếu nền tảng căn bản và chúng ta thiếu kiến thức kiên trì. Ví dụ muốn xây một chung cư cần 2 yếu tố: Kiến trúc sư (làm bản vẽ và tính toán tổng quát); Thợ xây nhìn bản vẽ để xây (nhưng không thể vẽ và tính toán được) thì cũng như thợ tóc chỉ thấy cắt để bắt chước nhưng không được học thiết kế và tính toán để thiết kế phù hợp tổng thể cho hình ảnh một người.
Vậy, để có thể phát triển thành một thế hệ thì cũng phải có thêm chút thời gian. Mọi yếu tố cần và đủ đều đã có, nhưng cần thêm thời gian để lan tỏa sự chuyên nghiệp này rộng khắp tới các nhà tạo mẫu thế hệ kế cận. Lúc đó, ngành tóc Việt Nam chắc chắn sẽ thực sự hòa cùng nhịp đập với các hoạt động toàn cầu. Leslie rất mong muốn được cùng những nhà tạo mẫu gạo cội tại Việt Nam đồng hành trong giai đoạn lịch sử này.
Các bạn trẻ bước vào nghề tóc thường chỉ xuất phát từ nhu cầu có công việc để làm, có thu nhập để sống, và điều này ảnh hưởng ít nhiều đến cách làm việc sau này. Theo anh, cần hệ thống đào tạo nghề tóc bài bản, dài hạn như thế nào?
Leslie nghĩ rằng, nghề tóc cũng như các ngành nghề khác như bác sỹ, kỹ sư, hay nhà kinh doanh thôi. Muốn làm tốt, cũng cần có sự đầu tư bài bản. Ở Việt Nam hiện nay cũng không ít những nhà tạo mẫu đã theo đuổi các trường lớp đào tạo cơ bản dài ngày tại các quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Có thể thấy rằng, họ đã có định hướng con đường rõ ràng trên hành trình sự nghiệp của bản thân.
Muốn kiếm tiền, nghề gì cũng phải học, nghề gì cũng phải đầu tư. Nếu có quá nhiều khả năng về tiền bạc, thì cũng cần phải đầu tư thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu. Đặc biệt là phải thực sự “lao động” nhiều thì nghệ mới thông. Có điều tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự có các hệ thống đào tạo tóc chính quy trong hệ thống các trường đại học. Chính vì vậy, năng lực của các học viên mới chỉ dừng lại ở bước “tay nghề”. Nếu họ muốn phát triển thêm về “tư duy sáng tạo”, có lẽ cần phải có thêm những hệ thống giáo trình quy chuẩn, đào tạo dài hạn và được nhà nước cấp bằng chứng nhận, giống như cử nhân của hệ đại học vậy. Vận dụng kiến thức mới để sinh lợi thế nào- ai chỉ cho họ biết điều đó mới là mấu chốt, và đó chính là điều mà Leslie luôn đau đáu khi trở về Việt Nam.
Một thợ tóc chuyên nghiệp nên có những kỹ năng gì ngoài việc làm tóc?
Đầu tiên, kiến thức rất quan trọng: kỹ năng kỹ thuật, kiến thức đời sống xã hội, kỹ năng quản lý và tâm lý học. Đó là 4 yêu cầu cần và đủ cho một người thợ tóc.
Làm tóc có thể coi như một bộ môn nghệ thuật. Mỗi nhà tạo mẫu tóc được xem là một người nghệ sỹ. Vì vậy, tư suy sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để sáng tạo, trước tiên chúng ta cần phải hiểu được logic, hiểu được bản chất, từ đó từng bước thiết kế ra những sản phẩm có tính tiêu chuẩn.
Vì vậy, chúng ta sẽ phải nắm rõ các nguyên lý và thao tác thực hiện tiêu chuẩn. Ở đây có thể hiểu là các kỹ thuật cắt, xử lý hóa chất, tạo kiểu để có thể cho ra những sản phẩm tiêu chuẩn. Phải có những sản phẩm chuẩn mực trước đã, rồi từ đó ta mới thêm vào đó sự sáng tạo, thậm chí có thể sáng tạo mạnh mẽ tới mức “Phá vỡ” rồi thiết kế lại, nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính tiêu chuẩn. Như vậy, có thể hiểu rằng, điều kiện cần của một nhà tạo mẫu tóc là sự sáng tạo, nhưng điều kiện đủ chính là phải nắm vững nguyên tắc cắt, xử lý hóa chất, tạo kiểu cơ bản. Đó thực sự là các điều kiện “cần” để thành thạo chuyên nghiệp.
Ngành tóc Việt Nam dù đang rất sôi động và tiềm năng nhưng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, mục tiêu của cá nhân anh trong thời gian tới là gì?
Như đã nói, Leslie thấy việc đào tạo kiến thức chung và đưa ngành tóc về 1 điểm chung, vẫn là kỹ thuật hóa, là kỹ thuật căn bản, chỉ có khác ở chổ dùng kỹ thuật chung đem ra sáng tạo riêng của chính mình.
Anh có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt thời gian làm nghề của mình với độc giả HAIRWorld không?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lúc Leslie được mời vào Hội Intercoifuere Mondial The world Best Hairdresses – một hiệp hội trên toàn cầu không phải “mong mà được vào” mà phải có kiến thức và đạo đức làm nghề. Thời điểm đó, Leslie là người Việt duy nhất được tham gia. Nhiều nước châu Á hiện tại cũng chưa được Hội Tóc quốc tế chấp nhận. Đây là một vinh dự và Leslie rất hy vọng một ngày nào đó các nhà tạo mẫu tóc Việt Nam chúng ta cũng được thế giới đón tiếp và công nhận là thành viên.
Trước tình hình dịch bệnh covid có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, các salon đều gặp phải khó khăn chung trong việc kinh doanh. Leslie Academi đã có những sự chuyển mình như thế nào để đứng vững và vượt qua trong thời điểm này?
Leslie mới cùng trường trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (131 Thái Thịnh) xin được mã nghề Trung cấp cho chuyên ngành Tóc. Leslie đang chuẩn bị lan tỏa cho 2 triệu thợ tóc toàn quốc được biết điều đó. Nghề tóc sẽ được công nhận như một chuyên ngành học chính thống để ngành thiết kế tạo mẫu tóc ở Việt Nam phát triển hơn nữa. Do dịch bệnh covid nên hiện tại các công việc được triển khai online để dần lan toả trước khi chuyên ngành tóc của trường CĐCN đi vào hoạt động chính thức và nhận hồ sơ tuyển sinh.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.
PV