Phát triển hệ sinh thái địa phương: Từ cách nhìn của quỹ khởi nghiệp
14:47 16/09/2023
(VINEN) - Thay vì tìm kiếm một mô hình lý tưởng, thành công, mỗi địa phương cần xác định được mục tiêu trung tâm của hệ sinh thái và triển khai linh hoạt theo hiện trạng ở địa phương mình.
Tùy theo hiện trạng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, quốc gia mà phương pháp tiếp cận, triển khai các hoạt động xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là khác nhau.
Một ngày bình thường ở hệ sinh thái Startup Vietnam Foundation – SVF: dẫn đoàn khách doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đi tham quan và nghe chia sẻ về kênh phân phối sản phẩm.
Doanh nghiệp khởi nghiệp là trung tâm
Một hệ sinh thái KNĐMST tích cực cần tạo dựng được một môi trường giúp các thành tố, các doanh nhân - doanh nghiệp phát triển. Theo đó, sự phát triển của của hệ thống doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ nâng cao các chỉ tiêu kinh tế xã hội, gia tăng năng lực cạnh tranh của địa phương, quốc gia.
Giai đoạn 2014 - 2019, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp chưa có nhận thức rõ ràng về hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì vậy, hơn 12 năm đồng hành trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thông qua hơn 230 các chương trình, hoạt động SVF đã tạo tác động đến hơn 28.000 doanh nhân, sinh viên, học sinh, nhà đầu tư, cán bộ quản lý nhà nước.
Trong quá trình tạo tác động đó, chúng tôi nhận thấy việc hỗ trợ, phát triển các doanh nhân, doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là các hoạt động trong phạm vi doanh nghiệp mà còn bao gồm đời sống của mỗi chủ doanh nghiệp, người lao động. Khi triển khai các chương trình nâng cao chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhiều chuyên gia đồng hành trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã nhất quán với quan điểm “người khởi nghiệp đã dành cả cuộc đời của họ vào hoạt động kinh doanh, thì hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng tiệm cận với đời sống của người khởi nghiệp”.
Kinh nghiệm địa phương
Trong quá trình đồng hành, hợp tác với 30 tỉnh/thành, chúng tôi nhận thấy có 03 điểm yếu trong việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái KNĐMST.
Thứ nhất, chiến lược triển khai phù hợp với từng địa phương. Tùy thuộc theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng phát triển hệ sinh thái KNĐMST, hệ thống doanh nghiệp mỗi địa phương thì sẽ có chiến lược, hoạt động sao cho phù hợp ứng với mỗi giai đoạn phát triển theo mức độ trưởng thành của hệ sinh thái. Trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động xây dựng và phát triển cần chú trọng triển khai là hoạt động truyền cảm hứng, xây dựng cộng đồng, hình thành các thành tố trong HST KNĐMST.
Thứ hai, văn hóa hợp tác, đồng kiến tạo. Hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, sôi động, tích cực cần có sự tham gia, đồng kiến tạo từ tất cả các thành tố trong hệ sinh thái. Khi các thành tố đồng kiến tạo, các chương trình được triển khai mang tính liên kết chặt chẽ và chất lượng hơn. Qua đó, tạo dựng được văn hóa hợp tác, huy động được nguồn lực tổng thể để xây dựng, phát triển HST.
Thứ ba, đo lường - đánh giá - học tập - phát triển. Việc sử dụng các công cụ đo lường mức độ tác động của hệ sinh thái KNĐMST đến tăng trưởng kinh tế - xã hội giúp mỗi địa phương có góc nhìn tổng quan, thực tế hơn về hiện trạng phát triển của hệ sinh thái. Qua đó, làm cơ sở cho lãnh đạo, cán bộ được giao nhiệm vụ tại địa phương đưa ra các quyết định, hành động cải tiến và đầu tư tương xứng với tiềm năng và giá trị mà KNĐMST & KHCN mang lại.
(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)