NOVAGROUP đề xuất phát triển liên kết vùng đóng góp vào sự phát triển công nghiệp du lịch quốc gia
15:50 20/10/2023
Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển và nhà nước đã có chiến lược đưa du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy làm cách nào để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế. Chúng ta phải làm gì để tăng năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt nhằm thu hút du khách?
So với các nước trên thế giới ngành du lịch của Việt Nam còn non trẻ, và theo chúng tôi thì chúng ta cần nhìn sang các quốc gia đã thành công trong ngành công nghiệp du lịch để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu, sàng lọc để tạo thêm nét đặc thù, có bản sắc riêng, phù hợp với văn hóa dân tộc và áp dụng. Có lẽ chúng ta không cần nhìn đâu xa, chúng ta chỉ cần nhìn sang Thái Lan, người bạn gần gũi và có nhiều điểm tương đồng với chúng ta, vì họ đã rất thành công trong ngành Công nghiệp Du lịch những năm qua.
Bắt đầu từ những năm 1960, nhận thấy được tiềm năng to lớn từ du lịch, cả nước Thái Lan đồng lòng phát triển du lịch thành một thế mạnh của quốc gia, và họ đã thành công nhờ sự quyết tâm, áp dụng các chính sách cởi mở, và sự sáng tạo cùng nỗ lực không ngừng. Sau đây là các đặc điểm nổi bật mà Thái Lan đã áp dụng:
1.Xây dựng chiến lược phát triển du lịch sâu rộng, trong người dân, chiến lược truyền thông nhất quán, hiệu quả trong nước và quốc tế Trong nước, người Thái Lan rất kiên trì trong việc giáo dục và truyền thông sâu rộng nét văn hóa thân thiện với khách du lịch đến với từng người dân. Người người nhà nhà đều học tiếng Anh nói về du lịch và họ rất thành công. Người ta thường ví von “Hãy kể cho tôi 3 điều tuyệt vời nhất về Thái Lan”. Và câu trả lời chính là “Con người, con người và con người. Đây là một ưu thế tuyệt đối và rất khó để sao chép. Ngoài nước: Các văn phòng đại diện trên nhiều quốc gia hoạt động rất trách nhiệm, sáng tạo và tích cực để phổ biến các thông điệp, chủ đề hàng năm, các điểm du lịch hấp dẫn của từng địa phương.
2.Các chính sách mở thực thi tốt.
Kế hoạch phát triển Du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2016 được xây dựng sau khi du lịch được bổ sung vào chương trình nghị sự phát triển quốc gia vào năm 2009. Nhiều nỗ lực đã được đưa vào cải tạo các địa điểm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường nguồn nhân lực và xây dựng các quy tắc cũng như quy định phù hợp. Cả Chính phủ quyết tâm cho sự phát triển du lịch Quốc gia.
3.Phát triển Cơ sở hạ tầng nối kết nhanh cùng các tiện ích phục vụ khách du lịch đồng bộ
4.Thiên đường mua sắm, nghỉ dưỡng và lễ hội
5.Ẩm thực: Nổi tiếng là đất nước có ẩm thực đa dạng phong phú, không chỉ về ẩm thực bản địa, Thái Lan còn có hầu hết món ăn từ Châu Á như Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia đến các món ăn từ Châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ý hay các món ăn đến từ Mỹ, Úc và Châu Phi.
Ẩm thực của Thái Lan được chú trọng và đạt được sự tinh tế rất phổ biến, lên đẳng cấp Quốc tế. Thức ăn được du khách đánh giá là "Ngon-Bổ-Rẻ". Tất cả mọi người, từ ăn chay đến ăn mặn đều có thể tận hưởng các món ăn hấp dẫn tại Thái.
Trên đây chúng tôi tạm liệt kê các đặc điểm nổi bật đã tạo nên sự thành công của du lịch Thái Lan, trong đó tôi cũng xin nhấn mạnh đứng sau sự thành công đó là công lao rất lớn của Ủy ban Du lịch Thái Lan, gọi tắt là TAT (Tourism Authority of Thailand)
Kể từ khi thành lập vào năm 1979, TAT đã là một Ủy ban năng động, sáng tạo, đeo bám, quyết tâm, quyết liệt thúc đẩy sự phát triển du lịch Quốc gia đến tận cùng. Họ luôn đưa ra phương hướng hành động cho mỗi năm rất sáng tạo, giúp du lịch Thái Lan cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa và môi trường.
Đúc kết từ những thành công của nền công nghiệp du lịch Thái Lan, nhìn lại Việt Nam cũng đang có những bước đi đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên để rút ngắn khoảng cách chúng ta cần có những bước đột phá sáng tạo, quyết liệt. Qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi đề xuất chiến lược liên kết vùng Du lịch. Đây là chiến lược phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước trong liên kết vùng kinh tế.
Về thực trạng liên kết vùng:
Có thể thấy, nhiều địa phương có nét tương đồng trong du lịch sinh thái, miệt vườn, chợ nổi, văn hóa lịch sử gắn với di tích, du lịch tâm linh.... Ðiều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết và sẽ không trải nghiệm tiếp các vùng lân cận. Bên cạnh đó hạ tầng kết nối giao thông thiếu đồng bộ, sự khác biệt về văn hóa ứng xử với du khách. Các khiếm khuyết này đã làm tỷ lệ khách du lịch quay trở lại rất thấp. Liên kết vùng sẽ là bước đột phá, tạo nên sự đa dạng, thuận tiện về quy mô, hấp dẫn và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cấp đồng bộ.
Trong chiến lược này, mỗi tỉnh thành cần xác định một sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, MICE, wellness…) phù hợp với thế mạnh của địa phương. Ví dụ như Tây Ninh có nhiều đền chùa, phù hợp để phát triển Du lịch tâm linh, hay Khánh Hòa phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE, Bà Rịa Vũng Tàu phát triển du lịch sức khỏe, Đà Lạt, Lâm Đồng phát triển du lịch khám phá mạo hiểm... Mỗi địa phương chọn loại hình du lịch đặc thù tương ứng với thế mạnh của mình,
NovaGroup đề xuất và xin tiên phong thực hiện mô hình mẫu liên kết vùng và xin chọn mô hình liên kết:
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH là HUB - BÀ RỊA-VŨNG TÀU - ĐỒNG NAI – PHAN THIẾT, BÌNH THUẬN - ĐÀ LẠT, LÂM ĐỒNG - NHA TRANG, KHÁNH HÒA
A. Đề xuất các bước thực hiện
1. Thành lập Ủy ban Liên kết vùng: Mỗi Tỉnh thành cử lãnh đạo tham gia vào Ủy ban.
2.Xác định mục tiêu chọn mô hình du lịch cho từng địa phương, mỗi nơi tối đa đảm bảo chọn 3 mô hình phù hợp và đảm bảo phải có thế mạnh và tiện ích khả thi đi kèm.
3.Xác định nguồn lực thực hiện, xây dựng chính sách, chiến lược, phương thức kế hoạch thực hiện và phân công cụ thể để triển khai: chú ý tham khảo các đặc điểm thành công của Thái Lan: nối kết hạ tầng, các tiện ích lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, văn hóa lễ hội.
4.Quảng bá truyền thông giáo dục cộng đồng thực hiện du lịch theo phương cách “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Tạo Ứng dụng (app) kết nối du lịch.
5.Điều phối, cân bằng hợp lý quyền lợi của các bên tham gia.
B. Việc xác định mô hình du lịch cho từng địa phương:
1.Thành phố Hồ Chí Minh: Du lịch MICE, du lịch tham quan văn hóa, lịch sử, du lịch chăm sóc sức khỏe y tế.
TP HCM với hệ thống cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh thành trong nước và quốc tế trên các phương tiện giao thông gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt, TP.HCM có tiềm năng để kiểm soát được lượng khách du lịch quốc tế (khi mà gần 50% lượt khách quốc tế tới Việt Nam là tới TP. HCM) bằng cách tạo ra các điểm vui chơi giải trí để khách du lịch BẮT BUỘC phải ghé TP. HCM trước khi tỏa đi khắp các điểm du lịch khác. Tuy có hạn chế về các loại hình vui chơi giải trí, tiện ích cho Hội nghị, hội thảo, team building còn khiêm tốn, nhưng TP. HCM có nhiều lợi thế về kiến trúc, cơ sở hạ tầng nên vẫn là địa phương top đầu thu hút lượt khách lưu trú. Do đó, cần tập trung thực hiện mục tiêu liên kết vùng Du lịch TP.HCM+: TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An là nhằm xây dựng chuỗi điểm đến liên hoàn quy mô, đồng nhất, chuẩn hóa chất lượng, đầy đủ tiện ích, tạo sức hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của tất cả các loại hình du lịch, tận dụng phát huy được thế mạnh đặc trưng, riêng biệt của từng địa phương.
Để phù hợp với 3 loại hình du lịch trên, ngoài việc tăng số phòng lưu trú, TP.HCM phải xây thêm tổ hợp trung tâm Hội nghị triển lãm và giải trí, nâng cao chất lượng ẩm thực, các điểm bảo tàng lịch sử…
2.Tại Biên Hòa - Đồng Nai: Là thành phố vệ tinh, Đồng Nai có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông nối kết nên có thể kết hợp với TP.HCM cho loại hình du lịch MICE, du lịch khám phá trải nghiệm, loại hình Team building trong ngày.
3.Tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Du lịch MICE & Du lịch sức khỏe.
4.Tại Phan Thiết - Bình Thuận: Du lịch MICE, du lịch Chăm sóc sức khỏe và thể dục thể thao.
Đô thị Kinh tế Du lịch Giải trí NovaWorld Phan Thiet được đầu tư chỉn chu cơ sở vật chất, đa dạng tiện ích, dịch vụ, tăng sức hút cho du lịch địa phương. Đơn cử, tại Thành phố Phan Thiết, Novaland đang tạo nên một Điểm đến du lịch Quốc tế mẫu: NovaWorld Phan Thiet – Đô thị Kinh tế Du lịch vui chơi Giải trí – sức khỏe với với quy mô 1.000 hec ta, giai đoạn đầu đã đi vào hoạt động. Dự án có nhiều tiện ích nổi bật như: Công viên giải trí Wonderland 25 hec ta; cụm sân gôn 36 hố PGA độc quyền; đường chạy Marathon 42,195 km; khu sinh hoạt hè cho nhiều đối tượng, khu cắm trại, trung tâm vui chơi giải trí ẩm thực về đêm – đang triển khai mô hình kinh tế đêm; công viên biển Bikini Beach 16 hec ta, hệ thống Hotel & Resort được vận hành và quản lý bởi các thương hiệu quốc tế nổi tiếng.
Các tiện ích của Novaworld Phan Thiet, một trong những đô thị kinh tế du lịch đã đưa vào vận hành loạt tiện ích đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu từ lưu trú, ẩm thực, thể thao. Đây cũng là địa điểm đã được chọn làm nơi khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” ngày 25/03/2023. NovaWorld Phan Thiet với sự đầu tư chuẩn mực cùng với sự hợp sức của cộng đồng Doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ góp phần đưa Phan Thiết - Bình Thuận trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. NovaWorld Phan Thiet, nơi diễn ra Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2023, thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan trải nghiệm
5. Tại Đà Lạt - Lâm Đồng: Du lịch tâm linh, Du lịch khám phá
6. Tại Nha Trang - Khánh Hòa: Du lịch Nghỉ dưỡng
7. Tại Tây Ninh: Du lịch Tâm linh
8. Tại Long An: Du lịch Khám phá
Với những nguồn lực và kinh nghiệm hiện có, NovaGroup sẵn sàng phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia, các cơ quan ban ngành cùng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Với hàng loạt tiện ích mới lạ, quy mô sắp ra mắt thời gian tới của Hệ sinh thái sản phẩm Du lịch – Vui chơi – Giải trí, NovaGroup kỳ vọng góp phần thu hút & giữ chân du khách, kích cầu hoạt động mua sắm, chi tiêu và gia tăng doanh thu du lịch, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; đặc biệt sẽ tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm trực tiếp; cùng các bên liên quan khác góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới./.
Trúc Vân