Kinh tế 2023 nỗ lực đạt mức tăng cao nhất
23:41 02/12/2023
(VINEN) - Chỉ còn một mảnh ghép cuối cùng, “bức tranh” kinh tế năm 2023 sẽ hoàn thành. Dù một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn cho thấy những nỗ lực lớn của cả nền kinh tế.
Chỉ số Sản xuất công nghiệp dần phục hồi chứng tỏ xuất nhập khẩu đã vơi bớt khó khăn, có thể hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế quý IV/2023. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn
Thêm những gam màu sáng
Những dấu cộng (+) trước các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 11/2023, biểu thị sự tăng trưởng so với tháng trước hoặc cùng kỳ năm trước, đã góp phần quan trọng tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế năm 2023, vốn bộn bề khó khăn. Xu hướng phục hồi của nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn.
Trong đó, một trong những chỉ số quan trọng là sản xuất công nghiệp tiếp tục tích cực, nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh của năm, cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm.
Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, ước tính tháng 11/2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp dần phục hồi cũng là chỉ báo cho thấy, xuất nhập khẩu đã vơi bớt khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 11/2023 sơ bộ đạt 14,65 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dù tính chung 11 tháng, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa nếu trừ yếu tố giá cả chỉ còn tăng 7%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng tới 16,6%; xuất nhập khẩu vẫn giảm 9% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 6,4%... nhưng so với những khó khăn hồi đầu năm, tình hình đã được cải thiện đáng kể.
Hơn thế, một số chỉ số khác cũng rất tích cực. Chẳng hạn, thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất kể từ đầu năm. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461.000 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về số tương đối và 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh rằng, nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
“Chúng ta đã chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu những điểm đáng ghi nhận của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng ngày một tích cực hơn; năm 2023 hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội…
Mảnh ghép cuối cùng
Nền kinh tế chỉ còn một mảnh ghép cuối cùng (kinh tế tháng 12) là sẽ hoàn thành bức tranh kinh tế năm 2023, bởi vậy, áp lực hay nỗ lực đều đặt nhiều vào tháng cuối cùng này, cũng như là quý cuối cùng của năm 2023.
Hai phần ba chặng đường của quý cuối cùng đã qua, với nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực hơn. Tuy vậy, khó khăn còn lớn. Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô 10 tháng của năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, mặc dù dữ liệu IIP cho thấy sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp đã thoát đáy, nhưng triển vọng phục hồi mạnh mẽ vẫn chưa chắc chắn.
Theo WB, chỉ số PMI của Việt Nam vẫn ở trong vùng suy giảm trong tháng 10 (49,6 điểm), so với mức 49,7 điểm trong tháng 9. S&P Global PMI chỉ ra rằng, số lượng đơn đặt hàng mới chỉ tăng nhẹ trong tháng 10/2023 và không đủ để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Dù các con số được WB viện dẫn là của tháng 10 và 10 tháng, nhưng có lẽ, trong hiện tại, sự khác biệt không lớn và có thể thấy, sản xuất công nghiệp dù tiếp tục được cải thiện, song triển vọng thực sự vẫn còn bấp bênh.
Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến giữa tháng 11/2023, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ chỉ đạt 281,62 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Việc nhập khẩu vẫn giảm mạnh cho thấy, tình hình sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới chưa thể sớm tăng tốc.
Chưa kể, tiêu dùng trong nước vẫn khá trầm lắng, tăng trưởng tín dụng chậm. Điều này cho thấy, đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu. Đó là lý do mà 11 tháng, cả nước có hơn 146.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 1.366.200 tỷ đồng, tăng 6% về số doanh nghiệp, giảm 7,9% về vốn đăng ký. Tính thêm cả doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, con số là 201.500 doanh nghiệp, tăng 3,5%. Tuy nhiên, lại có tới 158.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sản xuất và xuất khẩu cũng đang gặp khó, do vậy, dù xu hướng đang trở nên tích cực hơn, song nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt khoảng 7% trong quý cuối cùng của năm. Nếu điều này xảy ra thì nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra.
Trong báo cáo gần đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tăng trưởng GDP quý IV/2023 của Việt Nam có thể đạt khoảng 7% và cả năm 2023 là 5%. Con số này thấp hơn mức dự báo 5,4% trước đó. Standard Chartered cho rằng, dữ liệu kinh tế từ đầu năm đến nay thấp hơn mức kỳ vọng, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng ảm đạm, bất định hơn và điều này có thể tiếp tục tác động không thuận đến ngoại thương của Việt Nam.
Nỗ lực đến phút chót
Con số tăng trưởng hơn 5% trong năm nay không chỉ được các chuyên gia kinh tế, mà cả Chính phủ và Quốc hội nhắc đến. Tuy vậy, báo cáo Quốc hội, Chính phủ luôn khẳng định, nền kinh tế vẫn tiếp tục là “điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu”. Một quan điểm nhất quán luôn được khẳng định, đó là Chính phủ sẽ nỗ lực để đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra.
Thúc đẩy xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là các biện pháp được nỗ lực thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đang rất nỗ lực để thực hiện những giải pháp này.
Đó là lý do vì sao, ở nhiều địa phương, tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư đã có nhiều kết quả khả quan. Tháng 11, IIP của một số trung tâm công nghiệp tăng khá mạnh. Chẳng hạn, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,9%; Bình Dương tăng 6,3%; Vĩnh Phúc tăng 5,6%; Vĩnh Long tăng 4,2%; Quảng Ninh và TP.HCM cùng tăng 3,8%... Tính chung 11 tháng, nhiều địa phương cũng đạt mức tăng tích cực.
Sản xuất công nghiệp phục hồi sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Cộng hưởng với nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, tăng trưởng GRDP của các địa phương cũng sẽ được cải thiện.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, với khoảng 13,45%. Trong khi đó, Hậu Giang là 12,27%; Quảng Ninh tăng 11,03%; Khánh Hòa là 10,35%, còn Hải Phòng là 10,34%.
Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có tốc độ tăng trưởng cao như Nam Định (10,19%); Hưng Yên (10,05%); Hà Nam (9,41%); Ninh Thuận (9,4%)… Điểm đáng mừng là cả Hà Nội và TP.HCM đều có tăng trưởng dương, tương ứng khoảng 6,27% và 5,7%.
Sự nỗ lực của các địa phương sẽ hỗ trợ lớn cho tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, ở góc độ khác, WB cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công. Để thúc đẩy động lực tăng trưởng quan trọng này, Chính phủ vừa tổ chức hội nghị để bàn giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất trong giải ngân đầu tư công.
Theo WB, Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, những thách thức trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc triển khai ngân sách đầu tư.
“Việc chuẩn bị các dự án có chất lượng cao hơn - bao gồm thông qua các nghiên cứu khả thi tốt hơn và cải cách thủ tục đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện. Một lộ trình đầu tư mang tính chiến lược và được chuẩn bị tốt, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”, các chuyên gia của WB khuyến nghị.
Hà Nguyễn (Báo Đầu tư)