Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
11:51 16/09/2023
(VINEN) - Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” với sự tham dự của gần 200 đại biểu.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới. Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Toàn cảnh Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”_Ảnh: PV
Trong bối cảnh như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay; đồng thời thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số. Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay”.
Nhà báo Trần Trọng Dũng phát biểu Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”_Ảnh: PV
Nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân, khẳng định, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn. “Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý”.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Hà Nội mới_Ảnh:PV
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Hà Nội mới trình bày: “Trong Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là một trong các quyền cơ bản của người sáng tạo, của đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Các giá trị về tính trung thực và liêm khiết trong việc thu thập, xử lý và truyền tải thông tin cũng được xã hội thừa nhận như một quy tắc, nền tảng cơ bản vững chắc trong hoạt động báo chí - truyền thông”.
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”_Ảnh: PV
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá. Giá trị cốt lõi của nhà báo và toà soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ. Đề ra 6 giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số hiện nay. Một là, về tính chiến lược và chiến thuật về lĩnh vực bản quyền báo chí; Hai là, về quy định pháp lý về bản quyền và bảo vệ bản quyền số; Ba là, Tòa soạn số, công cụ số theo dõi và bảo vệ bản quyền báo chí; Bốn là, Hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường; Năm là, tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm sáng kiến, tổ chức truyền thông giáo dục về bảo vệ bản quyền nội dung số; Sáu là, tăng cường giáo dục giáo dục đạo đức và văn hoá báo chí cho các nhà báo và người dùng, từ đó tuân thủ và có ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí.
Lễ ký kết bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số_ Ảnh:PV
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó Tổng biên tập, Thư kí chi hội nhà báo báo Tuổi Trẻ: “Chúng ta đã nghe nhiều, nói nhiều và đều đã biết tầm quan trọng của việc tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí trong thời đại số như thế nào rồi. Không phải thời gian gần đây, mà từ rất nhiều năm trước nhiều cơ quan báo chí bức xúc lên tiếng trước tình trạng bị vi phạm nghiêm trọng bản quyền đã rất phổ biến. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài tình hình có vẻ không chuyển biến nhiều, việc sao chép, bị đánh cắp, “xào nấu” hoặc ngang nhiên sử dụng không xin phép các tác phẩm báo chí vẫn ngày càng phức tạp và công khai”
Các diễn giả trao đổi sâu về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.
Anh Trung