Vừa qua, nhóm sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có chuyến tham quan học tập tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam và được trải nghiệm với nhiều hoạt động thực tế thú vị.
Nằm trong khuôn khổ học phần “Tổ chức và quản trị nội dung tạp chí in và điện tử” do TS. Hoàng Anh Tuấn phụ trách, sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã có cơ hội tham quan tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Sinh viên báo chí trong chuyến tham quan, học tập tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Cam Ly)
Sau buổi thăm quan, sinh viên được tham gia một chương trình Toạ đàm "Không gian Tết trên báo chí hiện nay"
Buổi Tạo đàm thu hút gần 100 sinh viên của 4 trường Đại học: Học viên báo chí và Tuyên truyền, Học viện Phụ nữ, Đại học Hà Nội và Viện đào tạo Báo chí và truyền thông.
Sinh viên tham luận tại Toạ đàm
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, giữa hàng ngàn trang báo, tạp chí, và các hình thức truyền thông khác, việc tìm hiểu về lịch sử, giá trị và sức mạnh của báo chí truyền thống vẫn là điều cần thiết. Với sứ mệnh gìn giữ và truyền bá những giá trị này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho các nhà nghiên cứu mà còn cho những sinh viên theo đuổi ngành báo chí, nơi các bạn trẻ có thể tham quan và học hỏi về sự phát triển của ngành báo chí Việt Nam.
Các giai đoạn lịch sử của báo chí Việt Nam được tái hiện sinh động qua những trưng bày, hiện vật, và tư liệu cổ với năm phần chính: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925; giai đoạn 1925 - 1945; giai đoạn 1945 - 1954; giai đoạn 1954 - 1975 và giai đoạn 1975 đến nay.
Từ tờ Gia Định báo - tờ báo Tiếng Việt đầu tiên, hay Báo Thanh Niên - tờ báo mở đầu cho báo chí cách mạng Việt Nam tới những dấu ấn quan trọng trong việc phát triển mọi khía cạnh của báo chí đều được lưu giữ và bố trí trưng bày trên diện tích gần 1.500m2 của bảo tàng.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam là nơi lưu giữ những kỉ niệm, kỉ vật của nền báo chí Việt Nam. (Ảnh: Cam Ly)
Đặc biệt, đối với sinh viên theo đuổi ngành báo chí, tham quan, tìm hiểu và học tập tại bảo tàng không chỉ mang lại kiến thức mới mẻ mà còn là cơ hội để hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của báo chí từ xưa tới nay. Không chỉ thể hiện được sức mạnh của báo chí trong việc ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng, các kỉ vật tại Bảo tàng Báo chí còn là những minh chứng cho sự tự do ngôn luận và quyền lợi của công dân.
Đối với sinh viên báo chí, chuyến tham quan là cơ hội đặc biệt để học hỏi thêm kiến thức mới về sự phát triển của báo chí Việt Nam. (Ảnh: Cam Ly)
Ngoài ra, việc tham quan bảo tàng cũng là cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận với những kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực báo chí. Từ những chiếc máy in cũ kỹ đến các thiết bị in ấn và phát sóng hiện đại, mỗi bước đi trong Bảo tàng là một cơ hội để khám phá cách mà ngành báo chí đã tiến xa trong việc phân phối thông tin và giao tiếp với độc giả.
Một trong bốn chiếc loa phát thanh công suất lớn được đặt tại vĩ tuyến 17 – bờ Bắc sông Bến Hải, được trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: Cam Ly)
Chiếc máy quay “ngựa trời” đánh dấu cột mốc đầu tiên của tờ báo hình đầu tiên của Việt Nam - Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 7.9.1970. (Ảnh: Kim Chi)
Việc tham quan và học tập tại Bảo tàng Báo chí không chỉ giúp cho sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc về lịch sử và giá trị của ngành báo chí, mà còn trào dâng niềm xúc động bồi hồi và vô cùng biết ơn thế hệ những người làm báo đi trước. Từ đó, khơi dậy sự quan tâm và đam mê trong việc theo đuổi nghề trong tương lai. Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình theo đuổi nghề báo.
Một số hình ảnh buổi thực tế:
Khách mời phát biểu tại chương trình Toạ đàm
Đoàn chủ tịch điều hành chương trình Tạo đàm
Sinh viên tập điều hành chương trình
Khách mời và sinh viên 4 trường đại học tham dự chương trình Toạ đàm
Sinh viên 4 trường Đại học tham quan tại Bảo tàng báo chí Việt Nam
Cam Ly - Kim Chi