Ngày 20/04/2024,thực hiện sự chỉ đạo của thường vụ Quận uỷ và UBND quận Hoàn Kiếm. Hội Đông y quận Hoàn Kiếm kết hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức toạ đàm “Phát triển nghề Đông y gắn với phát triển phố nghề Lãn Ông” tại Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội tại 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm TP Hà Nội. Tạo đàm nhằm tìm ra bài toán cho việc phát triển nghề đông y gắn với phát triển du lịch làng nghề Lãn Ông trên phố cổ.
Trong chương trình kế hoạch, thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức hội nghị giao ban với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các Hội quần chúng quận Hoàn Kiếm quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.Trước ý kiến đề xuất của lãnh đạo Hội Đông y quận Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh đề nghị UBND phường Hàng Bồ và Hội Đông y xây dựng đề án xây dựng phố Lãn Ông - với nghề truyền thống Đông Nam dược thành phố du lịch, thu hút du khách...
Trước những ý kiến đề xuất đó, Chương trình toạ đàm “Phát triển nghề Đông y gắn với phát triển phố nghề Lãn Ông” được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia như: TTND GS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, TTND PGS Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Y dược học cổ truyền Bộ Y tế cùng với nhiều nhà khoa học, Lãnh đạo Hội đông Y tp.Hà Nội, lãnh đạo Đảng uỷ, UBND phường Hàng Bồ và nhân dân phố nghề Lãn Ông và một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực đông y, y học cổ truyền.
TTƯT BS Quách Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm đánh giá cao sự quan tâm của Quận uỷ, UBND quận Hoàn Kiếm và Đảng uỷ, UBND phường Hàng Bồ trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển phố nghề Lãn Ông đáp ứng với việc kế thừa di sản văn hoá Đông y và xây dựng tuyến phố du lịch Lãn Ông trên dịa bàn Hoàn Kiếm.
Chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm cũng khẳng định vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương là nhân tố quyết định trong đầu tư, định hướng phát triển Đông y và phố nghề Lãn Ông. Là nhân tố quyết định tạo ra một môi trường hợp tác tích cực, đầu tư vào đào tạo, xây dựng nguồn lực để phát triển Đông y góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, xây dựng thương hiệu và tiếp thị, cũng như hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo; định hướng gắn kết Đông y và tuyến phố du lich Lãn Ông.
Tại Toạ đàm, có nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, ủng hộ và đề ra nhiều giải pháp phát triển Đông y và xây dựng tuyến phố Lãn Ông thành tuyến phố du lịch như: Cần tạo điều kiện hỗ trợ và phát triển nền Đông y và Hội Đông y Hoàn Kiếm hoàn thành tốt các mặt công tác: Phát triển Đông y đồng đều cả về thuốc men và các phương pháp không dùng thuốc thuốc như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, dưỡng sinh, ngâm tẩm vv…
Thực hiện tốt công tác CSBVSKND trên địa bàn; tổ chức tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ cho các thầy thuốc Đông y hướng tới “Tinh thông y thuật, trau dồi Y đức”, góp phần An sinh xã hội… Các cơ quan quản lý cần có cơ chế cởi mở phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại địa phương, tạo diều kiện cho những người làm Đông y có thể phát huy nằng lực, khả năng trình độ chuyên môn.
GS TTND Đậu Xuân Cảnh, chủ tịch Hội Đông y Việt Nam định hướng cần xây dựng nguồn lực có chất lượng cao; Đẩy mạnh nghiên cứu và sáng tạo trong ngành Đông y, bao gồm cả việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên kiến thức truyền thống và các phát hiện khoa học mới. Việc này có thể thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của ngành Đông y cũng như phố nghề Lãn Ông. Cần đầu tư vào các chương trình đào tạo và hỗ trợ người làm Đông y, bao gồm cả các thầy thuốc truyền thống và những người kinh doanh tại Phố Nghề Lãn Ông. Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm Đông y, đồng thời tạo ra cơ hội nghề nghiệp và tăng cường kỹ năng cho các thầy thuốc thuốc Đông y.
Nhiều ý kiến tại Toạ đàm cũng đã định hướng một số mặt công tác nhằm đáp ứng xây dựng tuyến phố Lãn Ông như cần tăng cường hợp tác với các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của phố nghề Lãn Ông trong tương lai.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, chỉ hội trưởng Chi hội Đông y Lãn Ông bày tỏ mong muốn việc phát triển tuyến phố du lịch Lãn Ông cần hài hoà với việc đảm bảo sinh hoạt, kinh doanh của bà con trên địa bàn. Cơ quan quản lý y tế cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho bà con kinh doanh thuốc Đông y trong đăng ký hành nghề. Kết hợp giữa phát triển Đông y với phát triển du lịch là một chủ trương đúng đắn góp phần phát triền kinh tế địa phương. Khai thác tốt tiềm năng du lịch của quận Hoàn Kiếm góp phần xây dựng Thủ Đô Văn hiến - Văn minh – Hiện đại.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay, Lãn Ông dường như là con phố duy nhất trong 36 phố phường Hà Nội còn giữ gìn và duy trì được “lửa” nghề truyền thống theo đúng tên gọi. Cũng với những đặc trưng riêng có, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc đông y nổi tiếng trong lòng người dân Thủ đô và là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách nước ngoài. Với những nét đẹp văn hóa cùng bề dày truyền thống của một phố nghề Thăng Long - Hà Nội, phố Lãn Ông ngày càng khẳng định sự riêng biệt, độc đáo của mình. Đó chính là tiền đề làm nên sức hấp dẫn cho khu phố cổ - địa chỉ du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hà Nội. Nhưng bài toán nào cho việc phát triển nghề đông y gắn với phát triển nghề Lãn Ông cần phải có lời giải để xây dựng lại thương hiệu chợ thuốc Đông y nức tiếng Hà Thành một thời./.
Nội dung: Trường Xuân
Thiết kế: Trung Anh
Biên tập: Thuỳ Dương
Hình ảnh: Phương Hoa