Lương Sơn - Hòa Bình: Xã Cao Dương phấn đấu về đích Nông thôn mới nâng cao, cần phát triển kinh tế gắn bảo tồn văn hoá và du lịch

2024-10-20 08:50:00

Lương Sơn có thể nói là thủ phủ kinh tế mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hoá của tỉnh Hòa Bình. Trong tương lai, huyện còn được định hướng trở thành vùng của ngõ của Thủ đô Hà Nội, tạo động lực phát triển phía Đông chính nơi mảnh đất sử thi dân tộc Mường. Trong Đề án Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 nêu rõ định hướng huyện Lương Sơn là địa phương phát triển công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh.

Lương Sơn huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị tỉnh xây dựng phát triển theo mô hình tập trung đa cực với 02 hành lang kinh tế và 03 vùng công nghiệp. Triển khai theo định hướng này, Hòa Bình sẽ được khai thác tối đa tiềm năng khác biệt cũng như lợi thế cạnh tranh nổi trội của tỉnh, song song với đó là hiện thực hóa quan điểm tầm nhìn, mục tiêu phát triển và hình thành một không gian theo tư duy mới, tạo giá trị bứt phá.

Cũng tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã đề ra mục tiêu: “… Huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp; nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, phát triển đô thị,… Xây dựng huyện Lương Sơn phát triển toàn diện, bền vững, phát huy vai trò là vùng động lực kinh tế của tỉnh Hòa Bình. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Lương Sơn cơ bản đạt tiêu chí đơn vị hành chính cấp thị xã”; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 60% (đến năm 2020 đạt 42%).

Hoà Bình là tỉnh chiếm vị trí địa chính trị quan trọng nơi cửa ngõ phía Tây Hà Nội, thuộc không gian quy hoạch của Vùng Thủ đô. Đồng thời, toạ độ địa lý này còn giúp Hoà Bình sở hữu đa lợi thế lớn, trở thành nút giao lý tưởng trong kết nối 3 khu vực trọng điểm Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ với Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, tỉnh còn được mệnh danh là "miền đất sử thi", một mảnh đất không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu giữ bề dày truyền thống lịch sử dựng xây đất nước. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đang hoạt động 3/8 khu công nghiệp toàn tỉnh, trong khi diện tích chỉ đứng thứ 6/11 huyện thành. Trong đó có khu công nghiệp Lương Sơn được xây dựng trên tổng diện tích 83.08 ha đã lấp đầy 100% với 39 doanh nghiệp đang hoạt động và tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động.

Nắm giữ vị trí cửa ngõ của Hoà Bình tiếp giáp trực tiếp Hà Nội, huyện Lương Sơn trở thành cầu nối giữa Thủ đô với vùng trung du cùng các tỉnh miền núi phía Tây Bắc thông qua tuyến Quốc lộ 6, 21A, đường Hồ Chí Minh và đường vành đai 5… Mạng lưới giao thông đa kết nối bởi sở hữu 5/7 tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc tỉnh Hoà Bình đi qua địa bàn huyện. Trong tương lai, sau khi tuyến đường giao thông huyết mạch trên hoàn thiện huyện sẽ trở thành trung tâm giao thương, sẵn sàng phát triển tiềm năng sẵn có về thương mại, dịch vụ và nghỉ dưỡng. Huyện Lương Sơn hiện ngày càng khẳng định vị thế khi tỷ trọng kinh tế tăng trưởng đều và GDP luôn thuộc top đầu, sẵn sàng trở thành vùng động lực công nghiệp số 1 của tỉnh. 

Cùng với sự đổi mới phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hoá, tư duy về chất lượng đời sống người dân tại Lương Sơn đồng thời cũng ngày càng được nâng cao. Nhu cầu về an cư gắn với không gian xanh mát và tiện ích hiện đại của người dân trong vùng cũng đang dần thăng hạng trong đó phải kể đớn xã Cao Dương, một trong 10 xã: Cao Sơn, Cư Yên, Hòa Sơn, Lâm Sơn, Liên Sơn, Nhuận Trạch, Tân Vinh, Thanh Cao, Thanh Sơn.. Cao Dương có thể nói là xã đặt ra mục tiêu cao nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển kinh tế.

Xã Cao Dương: Mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm tới

Xã Cao Dương nằm ở phía nam huyện Lương Sơn cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Phía Bắc giáp xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và xã Tuy Lai huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội; Phía Tây giáp xã Thanh Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Phía Nam giáp xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Phía Đông giáp xã Hồng Sơn, xã Hợp Tiến huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Diện tích tự nhiên của xã là 63.12km2. Xã có 26 thôn, xóm. 

Xã Cao Dương được sáp nhập từ 3 xã là Cao Dương, Tân Thành và Hợp Châu theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2020. Trước khi sáp nhập 3 xã đều đã về đích NTM, sau khi sáp nhập xã Cao Dương không ngừng nỗ lực giữ vững các tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Đến nay, xã Cao Dương đã đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Xã còn 8 tiêu chí NTM nâng cao chưa đạt là: Giao thông, Giáo dục, Thông tin và Truyền thông, Thu nhập, Y tế, Môi trường, Chất lượng môi trường sống và Quốc phòng và An ninh.

Xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là xã có điểm xuất phát thấp về kinh tế. Địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Thu nhập của người dân còn thấp, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như sự đồng tình tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và người dân, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng đổi mới, văn minh hơn.

Xã có lợi thế liên kết dễ dàng đến các thị trấn và trung tâm kinh tế lân cận với tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã dài khoảng 8km kết nối với thị trấn Xuân Mai về phía Bắc và kết nối với thị trấn Thanh Hà về phía Nam. Đây là những cơ hội rất lớn để xã tiếp cận với các trung tâm kinh tế trong khu vực và các trung tâm kinh tế phía Nam Hà Nội, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho xã. Chương trình xây dựng NTM giúp bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã Cao Dương ngày càng đổi mới, văn minh hơn.

Nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch cộng đồng

Bằng nhiều giải pháp cụ thể, xã Cao Dương (Lương Sơn, Hòa Bình) đang nỗ lực giữ vững các tiêu chí nông thôn mới (NTM), đồng thời, đặt ra cho mình những lộ trình cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao…Trong số 8 tiêu chí NTM nâng cao chưa hoàn thành, xã gặp khó khăn rất lớn về tiêu chí Y tế, cụ thể là chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Năm 2022, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm trên địa bàn xã mới chỉ đạt 75%, trong khi đó chỉ tiêu quy định là lớn hơn hoặc bằng 95%. Để từng bước tháo gỡ được "nút thắt" này, xã đã có ý kiến với cơ quan chức năng của nhà nước. 

Để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2025 theo đúng lộ trình, thời gian tới, xã Cao Dương tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt phong trào thi đua "Xã Cao Dương chung sức xây dựng nông thôn mới"; vận động người dân xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương, … Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng các cơ sở hạ tầng còn thiếu; nâng cấp các tuyến đường giao thông trong xã. Tập trung đầu tư phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo bền vững, các mô hình tạo ra nhiều việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân trong đó tận dụng lợi thế là xã có nhiều cảnh quan, thăm quan, điểm du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường. Bên cạnh đó, xã khuyến khích, động viên, hỗ trợ các Hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm đăng ký tham gia OCOP; nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của địa phương.

Xã Cao Dương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Cao Dương luôn tập trung, chú trọng nâng cao chất lượng công tác này và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong thực hiện CCHC tại huyện Lương Sơn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân và kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển kinh tế cho xã.

Để công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thực sự đi vào chiều sâu, thực chất, hàng năm UBND xã Cao Dương đều xây dựng kế hoạch CCHC cụ thể và ban hành ngay từ đầu năm (Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân xã Cao Dương về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022), nhằm xác định rõ nhiệm vụ để các ban ngành, đoàn thể, từng cán bộ, công chức phối hợp thực hiện tốt và hoàn thành đúng thời gian quy định. 

Để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, Cao Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện những nội dung, nhiệm vụ được phân công về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, điều hành và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện để kịp thời đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính.

Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 vào các hoạt động quản lý hành chính; tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành hướng đến sự hài lòng của người dân. Có được kết quả trên chính là nhờ sự quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Cấp ủy và chính quyền xã Cao Dương, nhằm góp phần nâng cao chất lượng trong công tác cải cách hành chính cũng như phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Cao Dương đổi thay nhờ thực hiện mục tiệu xây dựng NTM

Hiện nay, xã Cao Dương có gần 4.000 hộ với gần 17.000 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 3 anh em dân tộc sinh sống là dân tộc Mường, dân tộc Kinh, dân tộc Dao nhưng chiếm đa số là dân tộc Mường. Là xã thuộc Vùng an toàn khu cách mạng (vùng CT229) của Chính phủ, Cao Dương có điểm xuất phát thấp về kinh tế. Địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Thu nhập của người dân còn thấp, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Kinh tế phát triển chưa đồng đều giữa các thôn, xóm trong xã, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như sự đồng tình tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và người dân, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng đổi mới, văn minh hơn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố. Kinh tế tiếp tục phát triển, nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại từng bước được hình thành và phát triển. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong xã về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đến nay, xã Cao Dương đã đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Xã còn 8 tiêu chí NTM nâng cao chưa đạt là: Giao thông, Giáo dục, Thông tin và Truyền thông, Thu nhập, Y tế, Môi trường, Chất lượng môi trường sống và Quốc phòng và An ninh.

Chia sẻ về khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cho biết: Trong số 8 tiêu chí NTM nâng cao chưa hoàn thành, xã gặp khó khăn rất lớn về tiêu chí Y tế, cụ thể là chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ). Sở dĩ, xã gặp khó khăn về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm như vậy, bởi xã Cao Dương thuộc vùng CT229 của Bộ quốc phòng quản lý, tất cả các công ty, doanh nghiệp không thể vào đây để hoạt động. Để từng bước tháo gỡ được "nút thắt" này, xã đã có ý kiến với cơ quan chức năng của nhà nước, đến nay, người dân đã được nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm trong vùng CT229 của Bộ Quốc phòng, vùng dân tộc thiểu số. HĐND tỉnh Hòa Bình đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ 20% mức đóng bảo hiểm đối với vùng dân tộc thiểu số, những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình trở xuống. Song với đó, xã thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham mua bảo hiểm y tế".

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế, thúc đẩy công cuộc xây dựng NTM 

Theo Chủ tịch UBND xã Cao Dương, để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2025 theo đúng lộ trình, thời gian tới, xã Cao Dương tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt phong trào thi đua "Xã Cao Dương chung sức xây dựng nông thôn mới"; vận động người dân hiến đất, góp tiền mặt, vật liệu, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; phát động phong trào "Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh"…

Một là, huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng các cơ sở hạ tầng còn thiếu; nâng cấp các tuyến đường giao thông trong xã: đường trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng để đảm bảo cho người lao động sản xuất, đi lại thuận tiện; tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

Hai là, tập trung đầu tư phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng cây ăn quả, chăn nuôi; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo bền vững, các mô hình tạo ra nhiều việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân bằng nhiều mô hinh kinh tế.

Ba là, xã khuyến khích, động viên, hỗ trợ các Hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm đăng ký tham gia OCOP; nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của địa phương; phát huy sức mạnh cộng đồng, những giá trị tiềm năng, lợi thế địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, qua đó, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, khuyến khích bà con phát triển kinh tế bằng chính nội lực của mình như phát triển nông nghiệp, gắn với du lịch văn hoá cộng đồng, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xa trong thời gian tới.

Bốn là, bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống gắn phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều di tích, điểm du lịch và lễ hội thu hút rất đông khách thập phương từ dưới xuôi lên, lễ hội trở thành lễ hội văn hoá, kéo dài suốt cả tháng Giêng, đến đây du khách vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng, vừa là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh hấp dẫn du khách thập phương. Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội như: lễ hội cầu mưa của người Mường, Lễ hội rửa lá lúa của người Mường, và nhiều lễ hội khác….có sức hút tâm linh sâu sắc. Đặc biệt một địa phương giáp với địa phận Hà Nội, nhưng lại có lễ hội văn hoá truyền thống rất đặc sắc, đó là lễ hội Quèn Thị.

Xã Cao Dương là một trong những xã nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách và người dân tại tỉnh Hoà Bình, nơi có ngôi làng tên Quèn Thị. Xã có nhiều tiềm năng và lợi thế trở thành điểm du lịch sinh thái và chưa bệnh. Quèn Thị có nghề thuốc nam nổi tiếng từ lâu đời, không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này, thì hầu như ai ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh núi thẳm. Hoà Bình nói chung và Cao Dương, Lương Sơn nói riêng là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối". Hòa Bình đã để tạo nhiều ấn tượng trong lòng du khách cả nước và quốc tế nhờ bản sắc của mùa lễ hội văn hoá truyền thống. Ở đó, bản sắc của các dân tộc Mường được thể hiện rõ nét.  

Cuộc sống đổi thay, từng ngày, việc sản xuất thuốc nam của người dân xã Cao Dương cũng đổi thay, nhằm góp phần bảo tồn, phát triển nghề gia truyền của làng. Có thể nói, truyền thống đó cũng hun đúc cho tinh thần đoàn kết dân tộc của đồng bào dân tộc Mường ở nơi đây giúp nhau phát triển. Tuy nhiên, cần được gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống đó làm sợi dây gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định, để có được bộ mặt xã Cao Dương như hiện nay, công tác quản lý và tư duy đổi mới đã được áp dụng tư duy và bài học đổi mới về “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là tư duy mới về quản lý và phát triển “tam nông” của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để chuyển đổi căn bản từ quan niệm “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” thì đột phá phải bắt đầu từ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương./.


Hoàng Anh Tuấn

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới