Là cửa ngõ phía Bắc giao lưu với quốc tế, nơi khởi nguồn của con đường huyết mạch xuyên Việt; một trong những chiếc nôi và là nơi quần tụ sinh sống của các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động sáng tạo vươn lên đưa Lạng Sơn từ một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, đến nay đã trở thành một tỉnh có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn_Ảnh: TTXVN
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC, CHỦ ĐỘNG SÁNG TẠO VƯƠN LÊN
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tỉnh đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh biên giới, cửa khẩu với Trung Quốc để phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển giao thông liên vùng, liên quốc tế tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm rất cao trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công “Cửa khẩu số”; ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng”. Đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Lạng Sơn đã xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 21 bậc so với năm 2021); đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh xếp thứ 2 trong nhóm 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Nhờ đó, kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực, có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 - 2022 đạt 6,95% (năm 2021 đạt 6,67%, năm 2022 đạt 7,22%), cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015 - 2020. Tổng sản phẩm GRDP của tỉnh năm 2022 tính theo giá hiện hành là 41.487 tỷ đồng, tương đương 1,78 tỷ USD, chiếm 0,435% so với cả nước (cả nước là 9.513.000 tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năm 2023, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp chiếm 19,98%, công nghiệp - xây dựng 25,3%, dịch vụ 50,19%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,34 triệu đồng năm 2020 dự ước tăng lên 55,97 triệu đồng năm 2023, tương đương tăng từ 1.970 USD lên 2.382 USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.335 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.833,5 tỷ đồng. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,2%. Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, 100% số xã có điện lưới quốc gia; trên 99% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; toàn tỉnh có 80,7% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 82,5% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm 3,14%, phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm còn khoảng 5,92%; công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Đặc biệt, Khu Kinh tế cửa khẩu được tập trung phát triển nhanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hệ thống quy hoạch cửa khẩu được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý thực hiện đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại ở các khu vực cửa khẩu. Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được xác định vai trò là khu kinh tế động lực chủ đạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng được cơ bản các hoạt động kết nối giao thương của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 5.860 triệu USD, trong đó xuất khẩu 2.790 triệu USD, nhập khẩu 3.070 triệu USD; xuất khẩu hàng hóa địa phương ước đạt 154 triệu USD, bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,67%. Khu Kinh tế cửa khẩu đã trở thành vùng động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới.
Hệ thống hạ tầng Khu kinh tế của khẩu tỉnh Lạng Sơn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Ảnh: VOV
Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; vì vậy, tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo và triển khai với nhiều phương thức vận động, xúc tiến đầu tư, như ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI); tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục các dự án đầu tư có tính khả thi để kêu gọi các nhà đầu tư; phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển của tỉnh. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách về miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp cũng đang được mở rộng. Mỏ than Na Dương, phốt phát Vĩnh Thịnh, các cơ sở sản xuất dầu hồi, cơ khí, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gốm, nhà máy xi-măng và nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đã được tổ chức đi vào sản xuất, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất công nghiệp ổn định và tiếp tục phát triển; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, năm 2023 dự ước tăng 8,65% so với cùng kỳ.
Thứ hai, khai thác thế mạnh tiềm năng vùng nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả lâu đời để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế; phát triển các vùng trồng tập trung các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh gắn với áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, cấp mã số vùng trồng được đẩy mạnh thực hiện.
Hằng năm, tỉnh đều đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh đã có 102 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Xây dựng và hình thành 15 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đã mang lại các kết quả tích cực nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Gian trưng bày na Chi Lăng tại chương trình quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP huyện Chi Lăng. Ảnh: UBND Lạng Sơn.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng những vùng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; trình độ canh tác đã có sự phát triển nhanh; nhiều công nghệ tiên tiến được áp dụng vào thực tiễn sản xuất như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ kiểm soát chế độ dinh dưỡng đất, công nghệ nước tưới, kiểm soát dịch bệnh... đã tạo đột phá về chất lượng nông sản; một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu, tạo uy tín với người tiêu dùng, một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước, nhiều nông sản đã xây dựng được thương hiệu, như quýt vàng Bắc Sơn, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm, hồng Vành khuyên, thạch đen... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Thứ ba, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc Việt Bắc giàu truyền thống cách mạng, vùng biên giới, cửa khẩu để xây dựng và phát triển nền văn hóa xứ Lạng tiên tiến mang đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đạt nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm cao trong cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét. Đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 272/670 trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành mục tiêu 200 xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, bình quân có 11,2 bác sĩ và 32,9 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao được mở rộng, chất lượng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được bảo đảm, nhất là trong phòng, chống dịch vừa qua.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017, của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 74-CTr/TU, ngày 28/12/2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, trong đó lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển; các ngành du lịch, dịch vụ được đầu tư theo hướng khai thác các lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ có giá trị gia tăng cao; bảo tồn và phát triển hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, gắn kết giữa văn hóa với du lịch. Công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo giá trị di sản được quan tâm, chú trọng; hoạt động khai thác, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ngày càng có những chuyển biến tích cực, đó là khai thác vùng văn hóa, không gian văn hóa bản địa của dân tộc như kiến trúc nhà ở, lối sống, nếp sống sinh hoạt hằng ngày, các giá trị văn hóa về lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian... Tỉnh đã triển khai hỗ trợ, xây dựng một số làng du lịch cộng đồng, như du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Liên (huyện Hữu Lũng), du lịch cộng đồng Vũ Lăng, Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn), văn hóa cộng đồng Mông Ân (huyện Bình Gia)... Những nét văn hóa đặc sắc và các thắng cảnh, di tích là nguồn tài nguyên rất thuận lợi để khai thác phục vụ cho phát triển du lịch. Văn hóa Lạng Sơn được hình thành và phát triển đa dạng gắn với nền văn hóa Mai Pha và nền văn hóa Bắc Sơn rực rỡ, với hệ thống di chỉ khảo cổ (Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ..); các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng (Ải Chi Lăng, Ải Nam Quan, Đoàn Thành, Bắc Sơn, Bó Củng, Lũng Vài, khu di tích Nhị Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc, núi Mẫu Sơn…); các lễ hội truyền thống vừa gắn liền với tín ngưỡng văn hóa bản địa vừa thể hiện nét giao lưu văn hóa tộc người như (lồng tồng, cầu mùa, Kỳ Cùng - Tả Phủ, Ná Nhèm, Bắc Lệ…); các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống (then, sli, lượn, xắng cọ, múa sư tử…); các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán và các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu khác. Đây là những lợi thế của Lạng Sơn trong phát triển du lịch, tạo nên sự khác biệt, có khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Làng sinh thái Hữu Liên, huyện Hữu Lũng nhìn từ trên cao
Thứ tư, khai thác thế mạnh, tiềm năng vùng dân tộc Việt Bắc giàu truyền thống cách mạng, biên giới, cửa khẩu để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Không để phát sinh điểm nóng chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác tuyển quân năm 2023 bảo đảm chất lượng và chỉ tiêu được giao. Thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương; giáo dục quốc phòng - an ninh, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng và an ninh theo kế hoạch.
Tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chủ động nắm tình hình, xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về tội phạm, mất an ninh trật tự. Bảo đảm tốt an ninh kinh tế, an ninh thương mại, an ninh du lịch. Phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế; công tác điều tra được tăng cường, tỷ lệ khám phá án đạt 96,88%, trọng án đạt 100%.
Về công tác đối ngoại, tỉnh đã quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân) nhằm chủ động, tích cực hội nhập, tranh thủ tốt nhất các điều kiện quốc tế thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh biên giới, cửa ngõ kết nối Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, từng bước đưa tỉnh Lạng Sơn phát triển toàn diện, bền vững; thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, bảo đảm xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định khu vực biên giới, nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh của tỉnh ra thế giới. Tỉnh luôn quan tâm chú trọng phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các địa phương của Trung Quốc. Quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác giữa hai Tỉnh - Khu đã không ngừng được tăng cường, mở rộng, đi vào chiều sâu, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn tham quan, khảo sát mô hình phát triển du lịch cộng đồng, gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm tại thôn Xích Tây, khu Hải Thành, thành phố Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc
Các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp tỉnh - khu, cấp ngành, cấp huyện và nhân dân hai bên biên giới thường xuyên được tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Tích cực phát huy hiệu quả các hình thức hợp tác, đặc biệt là Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân giữa bí thư tỉnh ủy các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên đã được các cấp, các ngành ký kết, triển khai thực hiện và góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực biên giới và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ, xúc tiến hợp tác với các địa phương khác của Trung Quốc, các nước trong khu vực, các đối tác chủ chốt, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.
Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) và Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng chụp ảnh lưu niệm với đại diện chính quyền tỉnh Quảng Tây và 4 tỉnh biên giới Việt Nam.
LẤY XÂY DỰNG ĐẢNG LÀM ĐÒN BẨY, NỀN TẢNG TẬP HỢP, QUY TỤ SỨC MẠNH CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ, từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn xác định tỉnh phải bước vào thời kỳ phát triển mới, đột phá, với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể và khả thi, phấn đấu đến hết năm 2025 khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục chủ động, nắm bắt thời cơ, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư và phát triển tạo bước đột phá về phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ nhanh hơn, toàn diện và bền vững hơn; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ; hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”.
Theo đó, một số định hướng, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo cần triển khai như sau:
Thứ nhất, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm là hạt nhân chính trị, là trung tâm đoàn kết, lấy xây dựng Đảng làm đòn bẩy, làm nền tảng để tập hợp, quy tụ sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm phát huy tối đa nội lực và thu hút các nguồn lực bên ngoài tạo sự bứt phá đi lên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trước quần chúng nhân dân; tăng cường giám sát trách nhiệm, nêu gương, khuyến khích, động viên kịp thời các sáng kiến, sự cống hiến của nhân dân và cán bộ, đảng viên để phát huy mọi nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Thứ hai, tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh biên giới, cửa khẩu với Trung Quốc để phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển giao thông liên vùng, liên quốc tế tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, xác định đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế chung toàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu xây dựng tỉnh Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa giữa các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc. Chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin về chính sách biên mậu, thị trường Trung Quốc để kịp thời có các giải pháp phù hợp. Tăng cường hoạt động đối ngoại, giao lưu, hội đàm với Quảng Tây (Trung Quốc), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường, thu hút đầu tư trên địa bàn; thực hiện tốt Hiệp định về biên giới của chính phủ hai nước, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới qua lại thăm thân, giao lưu trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Tiếp tục phát triển thương mại nội địa, hạ tầng thương mại, hệ thống mạng lưới chợ nông thôn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối tại các khu vực dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu vực cửa khẩu; từng bước hình thành trung tâm kinh tế tổng hợp - hội chợ, triển lãm của tỉnh. Phát triển các ngành dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ thương mại, logistics, chế biến hàng xuất khẩu, dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn... Khuyến khích phát triển một số loại hình dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Nâng cao chất lượng, quản lý quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Phát huy tối đa lợi thế của các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu; tiếp tục xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình “Luồng xanh” và “Cửa khẩu kiểu mẫu” mà lãnh đạo hai tỉnh/khu đã đề ra.
Đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên năm 2023 với số lượng 124 người sang Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chụp ảnh chung với đoàn đón của tỉnh Lạng Sơn và Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ảnh: Vân Trường
Khai thác có hiệu quả lợi thế của tỉnh về thương mại, hệ thống chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ, chuyển giao chợ cho doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý, đầu tư. Chủ động mở rộng, phát triển thị trường mới, thương mại điện tử. Phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu địa phương theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế, mở rộng thị trường và tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ và cung ứng dịch vụ. Tiếp tục phát huy, khai thác và phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ tỉnh có thế mạnh, khuyến khích phát triển một số loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại, liên kết đồng bộ, tham gia các chuỗi giá trị trong điều kiện hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, trong đó trú trọng đầu tư thu hút FDI trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động ít nhất 1 khu công nghiệp và 3 - 4 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy mỗi khu, cụm công nghiệp đạt trên 30%; hoàn thành quy hoạch và triển khai Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hữu Lũng. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tạo nền móng cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án quan trọng theo hình thức đối tác công tư (PPP); tăng cường xúc tiến vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Triển khai các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo: thủy điện, điện gió, điện mặt trời áp mái và trên mặt nước phù hợp với lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Lạng Sơn cơ bản trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại; ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế chung toàn tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành. Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh; củng cố và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong các ngành nông nghiệp, dịch vụ, vận tải và các ngành, nghề truyền thống ở khu vực nông thôn và thành thị. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tổ chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tiếp tục hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn.
Mạng lưới giao thông đô thị Lạng Sơn. Ảnh: ST
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, công dân số. tiếp tục triển khai hiệu quả nền tảng số dùng chung các ngành; nâng cấp hạ tầng số; triển khai nhân rộng nền tảng cửa khẩu số trên địa bàn.
Thứ ba, khai thác thế mạnh tiềm năng vùng nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả lâu đời để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sách, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai có hiệu quả, đồng bộ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng mã số vùng trồng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị. Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung bảo đảm an toàn sinh học, gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai phát triển lâm nghiệp bền vững. Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Chủ động các biện pháp phòng ngừa; kiểm soát an toàn thiên tai; kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới bằng mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của kinh tế đồi rừng. Khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp. Chủ động, linh hoạt huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách cho xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.
Thứ tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc Việt Bắc giàu truyền thống cách mạng, vùng biên giới, cửa khẩu để xây dựng và phát triển nền văn hóa xứ Lạng tiên tiến mang đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tổ chức tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, với đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Tập trung phát triển du lịch: Tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; quy hoạch, kết nối, tổ chức khai thác tốt các điểm du lịch, tiềm năng du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình du lịch mang tính đặc trưng và bản sắc riêng của từng vùng, tăng tính cạnh tranh. Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. Tạo thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án về du lịch, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố, trọng tâm là Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (thành phố Lạng Sơn); Khu di tích Chi Lăng và các khu du lịch cộng đồng, sinh thái tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Lãng, Hữu Lũng... Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận và đưa vào hoạt động hiệu quả Công viên địa chất toàn cầu.
Ải Chi Lăng với khung cảnh núi non hùng vĩ gắn với những chiến công vang dội hào hùng của dân tộc
Thứ năm, khai thác thế mạnh, tiềm năng biên giới, cửa khẩu để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Coi trọng chăm lo xây dựng “ thế trận lòng dân”, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân với trọng trách là “phên giậu quốc gia” về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là “phên giậu về kinh tế”, bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thương mại, an ninh du lịch, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.
Mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân và trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực. Tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với đối tác các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Pháp và các nước ASEAN.
Trên cơ sở xác định rõ tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy hiệu quả những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, đổi mới toàn diện phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đã khẳng định quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo, huy động và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới; xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chỉ rõ bốn trụ cột chính tương ứng với bốn chương trình hành động cụ thể mà Lạng Sơn sẽ hướng đến trong giai đoạn tiếp theo nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hai là, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ba là, tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp.
TS. Nguyễn Quốc Đoàn
Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn