Tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội đang tập trung nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý toàn diện, đầy đủ cho sự phát triển của Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội.
Chiều 27/3, phát biểu tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội đang tập trung nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý toàn diện, đầy đủ cho sự phát triển của Thủ đô; và đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục khơi dậy khát vọng và trách nhiệm để phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng, thành phố sáng tạo, thành phố vì hòa bình, trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng là quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hoàn toàn nhất trí với đề xuất của các đại biểu về việc Hà Nội cần đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; triển khai hiệu quả Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/12/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cuộc gặp mặt rất có ý nghĩa, mang đậm tinh thần đại đoàn kết. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu căn dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”; trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam cũng luôn tự hào là "con rồng, cháu tiên", sinh từ một bọc, cùng chung nguồn cội, đều là anh em một nhà.
Phát huy truyền thống của Thủ đô, nhất là Đảng bộ Thủ đô như lời căn dặn của Bác Hồ phải luôn là Đảng bộ gương mẫu và đi đầu; thành phố cần tập trung ưu tiên hoàn thành thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, đồng đều, bền vững và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định đây là đường lối chiến lược quan trọng, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và nhân tố có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tên gọi này được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất bởi mục tiêu cao nhất chính là xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình đẳng, tôn trọng nhu cầu tự do tôn giáo; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; trong đó có đồng bào các dân tộc; tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trình độ.
Qua đó, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, từ đó phát huy tiềm năng, uy tín, vị trí xã hội của mỗi cá nhân để đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở tích hợp gần 200 chính sách.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết với 10 cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình này.
Quốc hội đã có những hình thức hoạt động linh hoạt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Lần đầu tiên, công tác dân nguyện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào trong chương trình phiên họp hằng tháng…
Quốc hội khóa XV được bầu ra với cơ cấu đại biểu đại diện đầy đủ cho các giới trong xã hội, trong đó, đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm 17,84%, cao nhất trong 15 khóa Quốc hội, lần đầu tiên có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người (Lự và Brâu); có 5 vị chức sắc tôn giáo; 119 nhà giáo và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tỷ lệ đại biểu có trình độ chuyên môn, học vấn cao (12 Giáo sư, 20 Phó Giáo sư, 144 Tiến sĩ, 248 Thạc sĩ)...
Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao và biểu dương, chúc mừng các thành tích, đóng góp của cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô thời gian qua.
Đề cập những kết quả, thành tựu hết sức quan trọng của Hà Nội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số, các nhân sĩ, trí thức đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội có sự đóng góp rất đáng trân trọng.
Nhắc lại mục tiêu được Đảng ta xác định tại Đại hội lần thứ XIII đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Hà Nội với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được, đang đứng trước sứ mệnh lịch sử.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 và đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang quyết liệt đôn đốc các cơ quan hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để báo cáo Quốc hội.
Nhấn mạnh ý nghĩa của năm 2024 trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt với Hà Nội là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong đó có cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương về vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững...
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nhiều ý kiến, kiến nghị được các đại biểu nêu ra tại cuộc gặp, đều nằm trong các chính sách lớn, các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội quy định tại dự thảo luật Luật Thủ đô (sửa đổi), là một đạo luật về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô trong tất cả các lĩnh vực, khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống” của luật hiện hành...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện các thành viên trong Đoàn bày tỏ xúc động và trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội dành thời gian tiếp Đoàn; bày tỏ niềm tin sâu sắc đối với công cuộc đổi mới đất nước và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí do Đảng lãnh đạo; đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng cao kỳ vọng của nhân dân.
VĂN CHÚC - (Báo Nhân dân)