Tối 31/10 vừa qua, vở kịch “OBECALP” nằm trong khuôn khổ đêm nhạc hội Halloween trường Báo đã để lại dấu ấn trong lòng người xem bởi kịch bản và diễn xuất ấn tượng.
Được biết, kịch vốn là “tiếng nói nhân văn” của sinh viên khoa Quan hệ quốc tế. Vượt ra khuôn khổ của một tiết mục giải trí đơn thuần, kịch kinh dị Báo chí phơi bày những vấn đề tồn đọng trong xã hội. Thông qua những câu chuyện được khắc họa trên sân khấu, mỗi tác phẩm kịch là một thông điệp nhân văn mà sinh viên mong muốn truyền tải đến khán giả.
Ảnh 1: Halloween là sự kiện thường niên của khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đến nay, sự kiện chính thức kỉ niệm 20 năm tổ chức.
Nối tiếp thành công từ những mùa sự kiện trước, Halloween 2024: Equinox tiếp tục cho ra mắt khán giả vở kịch mang tên “OBECALP”. “OBECALP” là đảo chữ của thuật ngữ y khoa “Placebo” (Tạm dịch: Giả dược). Hiệu quả điều trị của phương thức này không đến từ tác động bên ngoài mà xuất phát từ niềm tin của người bệnh.
Bi kịch chán ghét cuộc sống của một nhân vật làm nghề cứu người
Trong vở kịch, khán giả sẽ theo chân hành trình của Bằng, Kim và Thanh đi tìm lời giải cho mối quan hệ đối lập nhưng hài hòa giữa sinh và tử. Sau khi cùng tốt nghiệp y khoa, Bằng trở thành bác sĩ phụ sản với nhiệm vụ giúp đỡ sinh mệnh nhỏ chào đời. Ngược lại, công việc an tử của Thanh lại hỗ trợ bệnh nhân thoát khỏi nỗi đau và ra đi thanh thản.
Ảnh 2: Bằng được biết đến là một bác sĩ hết lòng với nghề và tôn vinh vẻ đẹp cao cả của sự sống. Do vậy, anh cùng người vợ Kim quyết định mở phòng khám tư nhằm giúp đỡ những phụ sản có hoàn cảnh khó khăn.
Bi kịch xảy đến khi một ca sản phụ do Bằng đỡ đẻ quyết định từ bỏ cuộc đời mình và đứa con bị dị tật. Điều này khiến anh trải qua quá trình đấu tranh giữa lý tưởng nghề nghiệp và hiện thực khắc nghiệt. Anh hiểu rõ: Giúp đỡ đứa trẻ được sinh ra là trách nhiệm của y sĩ. Tuy nhiên, nhân vật bí ẩn “hắn” đã thuyết phục Bằng rằng hành động “ép đứa trẻ ra đời” đã gián tiếp tước đi hạnh phúc của gia đình xấu số.
Ảnh 3: Cặp vợ chồng nghèo đối diện với thông tin đứa trẻ trong bụng mẹ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, nỗi lo sợ về tương lai không hạnh phúc của đứa trẻ khiến người phụ nữ đưa ra quyết định đau buồn.
Từ đây, “hắn” dần thao túng tâm trí Bằng, biến anh từ một người trân trọng sự sống thành kẻ nghi ngờ nhân sinh. Hành động tước đoạt mạng sống từ vợ và con là minh chứng cho sự biến chất trong tư tưởng của anh. Trong mắt Bằng, lựa chọn giải thoát cho người thân là cách giúp họ có được hạnh phúc giữa trần thế đau khổ.
May mắn thay, Thanh xuất hiện với vai trò giúp Bằng hiểu hơn về lẽ vô thường của đời người, dù công việc của cô gắn liền với sự chia ly. Câu chuyện quá khứ của Thanh khiến Bằng nhận thức được hành vi sai trái của bản thân. Mặc dù không cứu được người vợ, song, Bằng đã tìm lại được lẽ sống cho bản thân và trân trọng từng giây phút quý giá được có mặt trên cuộc đời.
Ảnh 4: Thanh đã từng sống trong dằn vặt khi trực tiếp thực hiện an tử trên đứa con của mình. Nhưng chính những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử mà Bằng kể đã giúp Thanh lấy lại tinh thần.
Điểm kết thúc sinh mệnh được định sẵn, con người thêm trân trọng cuộc sống
Có thể thấy, bác sĩ Bằng được coi là nhân vật trung tâm trên hành trình thấu hiểu lẽ vô thường tất yếu của cuộc sống. Ban đầu, anh thể hiện quan điểm cực đoan về vòng đời khi cho rằng sự sống là điều quan trọng duy nhất. Tuy nhiên, những sự cố diễn ra trong quá trình hành nghề khiến anh tin rằng trần thế lại là nơi chứa đựng đau thương.
Song song với dòng chảy suy nghĩ của Bằng, nhân vật “Hắn” thực chất là hiện thân cho sự yếu đuối của con người khi đối diện với khó khăn trong cuộc sống. Khi mắc phải sai lầm hoặc đối diện với sự thật không như ý muốn, con người ta có xu hướng tự ti và trách móc số phận. Khi ấy, kết thúc cuộc đời được coi là cách giải quyết vấn đề nhanh nhất.
Ảnh 5: Bằng đã trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm mãnh liệt, từ chống chọi gay gắt cho đến sự đầu hàng trước cám dỗ của bản ngã.
Tuy nhiên, sự xuất hiện tưởng chừng như đối lập trong tư tưởng của Thanh lại là mấu chốt giúp Bằng tìm lại lẽ sống đích thực. Thanh tâm niệm rằng, được sống và được làm người đã là một điều may mắn, bởi không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm cuộc đời này. Ngược lại, kết thúc luôn được định sẵn và dễ dàng trở thành sự lựa chọn khi con người đứng trước khó khăn. Đối với Thanh, cuộc sống là một hành trình khám phá và mỗi thử thách là một bài học giúp ta trưởng thành hơn.
Ảnh 6: Những chia sẻ của bác sĩ Thanh đã chạm đến trái tim Bằng: “Chết thì dễ, nhưng sống thì khó lắm Bằng ạ”.
Vở kịch đã giữ đúng tinh thần “kinh dị” của lễ hội Halloween nhưng không quên hàm chứa yếu tố nhân văn đặc trưng của chương trình. Tương tự phương pháp Placebo, “OBECALP” mong muốn có thể khơi dậy khát khao sống mãnh liệt trong lòng mỗi khán giả. Đó cũng là thông điệp chung của chương trình Halloween 2024: Equinox.
Nguyễn Phượng