“Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”
2023-12-28 23:24:00
Ngày 27 tháng 12 năm 2023, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giải quyết những bất cập phát sinh; khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe.
Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), gửi Bộ Tư pháp trước để tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ bổ sung Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội; trình Quốc hội cho ý kiến luật này tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Trong bối cảnh đó, báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất chính sách của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp; qua đó góp phần vào quá trình hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại tọa đàm, các diễn giả khẳng định, từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt qua 4 lần được sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội; cũng là góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, Luật góp phần định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường thông qua việc quy định thuế suất thấp hơn đối với xăng sinh học; xe ô tô điện chạy bằng pin áp dụng thuế suất theo lộ trình: từ ngày 1/3/2022 là 3%, 2%, 1% và từ ngày 1/3/2027 là 11%, 7%, 4% tùy số chỗ ngồi…
Thứ ba, Luật góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2015 - 2020, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ trọng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm tăng từ 6,5% (2015) lên khoảng 8,3% (2020) và chiếm khoảng 2% GDP (2020).
•“Dù còn một số hạn chế nhất định song có thể nói Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách mà còn là công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội”, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt còn một số hạn chế như: đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Cùng với đó, thuế suất thuế với một số mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ và xã hội chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng…
Từ thực tế đó, các diễn giả nhấn mạnh: sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết để phát huy hơn nữa vai trò của sắc thuế này theo đúng chủ trương và định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng phù hợp xu hướng tiêu dùng trong xã hội theo hướng bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế. Việc sửa đổi Luật cần bảo đảm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật.
Khẳng định việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng, quá trình sửa Luật phải cân đối cả ba khía cạnh: sức khỏe của nhân dân và cộng đồng; thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và phát triển tốt hơn.
TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Cùng quan điểm, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Cải cách chính sách thuế phải đặt trong tiến trình phát triển của đất nước và nền kinh tế. Khi thu nhập, hành vi tiêu dùng của người dân và năng lực của bộ máy đã có rất nhiều thay đổi, nói cách khác là điều kiện hiện nay thay đổi, thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7/2023, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với 7 nhóm chính sách khi xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đó là hoàn thiện các quy định về: đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành.
Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế; xây dựng giải pháp điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá ở mức thuế suất phù hợp, theo lộ trình trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, mô hình thuế hỗn hợp, tức là kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối, ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Năm 2008 chỉ có 55 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng lên 62 quốc gia vào năm 2018. Trong ASEAN, có Thái Lan, Malaysia và Philippines đã triển khai mô hình thuế hỗn hợp với một số danh mục đồ uống có cồn.
“Không phải ngẫu nhiên các nước phát triển áp dụng mô hình thuế hỗn hợp. Chúng tôi đã có một số nghiên cứu về vấn đề này và kết quả nghiên cứu cho thấy đã đến lúc Việt Nam áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn thay cho thuế tương đối hiện nay. Vấn đề quan trọng là điều kiện và cách thức triển khai cụ thể như thế nào”, TS. Đặng Thị Thu Hoài bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của CIEM về hiệu quả của thuế hỗn hợp, bà Hoài cho biết, áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp sẽ khiến giá sản phẩm rượu ở phân khúc cao cấp rẻ hơn tương đối so với chính nó nếu áp thuế tương đối. Như vậy, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… và do đó tăng thêm nguồn thu ngân sách từ khu vực đồ uống có cồn chính thức. Kết quả ước lượng cho thấy, thuế hỗn hợp giúp tăng thu ngân sách khoảng 25% so với thuế tương đối.
Cũng đã nghiên cứu về tính khả thi của mô hình thuế hỗn hợp đối với thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam, bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: trước đây, phương pháp thuế tương đối là phù hợp với Việt Nam, vì ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên; thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế. Tuy nhiên, thuế tương đối không mang lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm và có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp. “Có thể thấy lượng tiêu thụ cồn của Việt Nam vẫn tăng lên và tới 57% đồ uống có cồn ở Việt Nam là thuộc khu vực phi chính thức”.
Theo bà Đặng Ngọc Hương, thuế tiêu thụ đặc biệt hướng đến ba mục tiêu - sức khỏe người tiêu dùng, ngân sách, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. Tùy việc đặt mục tiêu cao hơn để Việt Nam lựa chọn mô hình thuế phù hợp. Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng thì thuế tuyệt đối là tốt nhất, nhưng với điều kiện của Việt Nam thì chưa nên áp dụng vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa. “Chúng ta cần một bước chuyển, đó là mô hình thuế hỗn hợp và mô hình này khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam”. Dẫn trường hợp Philippines khi chuyển sang áp dụng thuế hỗn hợp gặp một số khó khăn, song bà Hương cho biết, nước này đã giảm được lượng tiêu thụ cồn của người dân, đồng thời giải quyết được vấn đề công bằng giữa sản phẩm quốc nội và sản phẩm nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Dưới góc nhìn của người có 50 năm kinh nghiệm làm trong ngành thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, chia sẻ: Xu hướng áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn đã rõ, bởi đây là phương pháp tiên tiến của thế giới. Hơn nữa, Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 20230 đã yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và mới đây, Nghị quyết số 115 của Chính phủ đã định hướng vấn đề này. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế hỗn hợp phải có lộ trình cụ thể và công khai để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) khi được ban hành sẽ tác động mạnh đến hành vi của người tiêu dùng cũng như hoạt động của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Các diễn giả tham dự tọa đàm kỳ vọng, sau lần sửa đổi này, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phát huy cao hơn nữa vai trò với đời sống, kinh tế - xã hội; bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi; hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thu Hoài