GDP bình quân đầu người là chỉ tiêu rất quan trọng, không chỉ là kết quả của tăng trưởng kinh tế, mà còn là tiền đề của thu nhập, mức sống, so sánh quốc tế, phân nhóm nước theo mức thu nhập (thấp, trung bình, cao),…
Vào năm 1988, Việt Nam chỉ đạt dưới 100 USD/người, nằm trong nhóm mấy nước có mức GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Tính chung, GDP bình quân đầu người trước năm 2008 ở mức dưới 1.000 USD và Việt Nam thuộc nhóm nước và vùng lãnh thổ có thu nhập thấp nhất.
Từ năm 2008, GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam đã vượt mốc 1.000 USD, chuyển từ nhóm nước và vùng lãnh thổ có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp). Đây là một sự chuyển dịch vị thế, có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch vị thế trên nhiều lĩnh vực khác (như gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO ).
ƯỚC NĂM 2023: THỨ BẬC SẼ CAO HƠN
Hiện trạng về GDP bình quân đầu người của Việt Nam biểu hiện ở một số chỉ tiêu chủ yếu. GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá VND/USD hối đoái (nay được tính theo tỷ giá trung tâm) trong giai đoạn 2010-2023 liên tục tăng lên, năm 2010 chỉ đạt 1.614 USD/người thì đến năm 2023 đã đạt mức 4.284 USD/người (hình 1). Đây là một trong những căn cứ để Việt Nam đề ra mục tiêu Việt Nam sẽ ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình (thấp) vào năm 2025.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP) thể hiện ở hình 2.
Theo đó, nếu tính bằng USD theo tỷ giá PPP, thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã gần như liên tục tăng lên qua các năm và có thứ bậc cao hơn so với thứ bậc về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái so với những nước và vùng lãnh thổ trên thế giới (Bảng 1)
Khả năng năm 2023 Việt Nam sẽ có thứ bậc cao hơn, điều đó chứng tỏ USD tại Việt Nam có giá cao hơn hay có sức mua cao hơn tại Hoa Kỳ và một số nước và vùng lãnh thổ khác ở Đông Nam Á, Châu Á và trên thế giới. Trạng thái đó góp phần làm cho hàng hóa xuất khẩu tại Việt Nam rẻ và hấp dẫn đối với các nền kinh tế Âu - Mỹ, giữ vị thế xuất siêu lớn với các thị trường này, trong khi lại nhập siêu lớn với nhiều thị trường, nhất là các thị trường châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Thái Lan, Singapore, Malaysia,….
GDP bình quân đầu người cao lên đã góp phần làm cho tổng GDP của Việt Nam tính bằng USD có quy mô cao lên qua các năm (hình 3)
Theo đó, Việt Nam không những là nước có dân số đông (đứng thứ 13 thế giới) mà đã có quy mô GDP lớn dần lên, đứng thứ bậc cao hơn trong khu vực ở châu Á và trên thế giới (bảng 2)
Ước năm 2023 thứ bậc của Việt Nam sẽ cao hơn (ước thứ 3 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á, thứ 31 thế giới).
GDP bình quân đầu người tăng đã góp phần để phát triển nhiều chỉ tiêu về xã hội (tuổi thọ đạt 73,17, đứng thứ 5 Đông Nam Á, thứ 17 châu Á, thứ 62 thế giới, chỉ số phát triển con người năm 2021 đứng thứ 116 thế giới,…).
Bên cạnh những kết quả tích cực, về GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn có những hạn chế, bất cập. Dân số đứng thứ hạng cao, nhưng tổng GDP đứng thứ hạng thấp hơn, nên GDP bình quân đầu người còn bị thấp hơn nữa. Nếu có đủ thông tin của các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và thế giới thì thứ bậc của Việt Nam còn thấp hơn nữa.
Đánh giá “nguy cơ tụt hậu xa hơn” không còn những áp lực quá lớn như trước đây, nhưng khoảng cách với thế giới và nhiều nước còn lớn. Năm 2021, GDP bình quân của thế giới đạt khoảng 46.513 tỷ USD, dân số giữa năm 2021 là 7.837,5 triệu người, tính ra GDP bình quân đầu người đạt 12.314 USD. So với con số này, con số tương ứng của Việt Nam (3.717 USD), còn cách khá xa (mới bằng gần 30,2%), nếu so với một số nước khác có mức cao hơn của thế giới (có 48 nước cao hơn, trong đó trên 50.000 USD có 16 nước, trên 60.000 USD có 9 nước, trên 70.000 USD có 5 nước gồm: Iceland 100.172 USD, Thụy Sỹ 99.992 USD, Na Uy 89.154 USD, Singapore 72.794 USD, Hoa Kỳ 70.249 USD) thì còn cách xa hơn.
Áp lực tụt hậu xa hơn tuy không còn lớn, nhưng nguy cơ “chưa giàu đã già” đang hiện hữu, khi tỷ trọng người cao tuổi /tổng dân số đã vượt quá mức 13%. Theo địa bàn, GRDP bình quân đầu người của một số địa bàn còn rất thấp, trong đó có Nam Định, Hậu Giang,..
NGUYÊN NHÂN CỦA KẾT QUẢ VÀ HẠN CHẾ
Đối với kết quả, có 4 nguyên nhân chủ yếu: (i) tổng GDP tăng ngay cả khi đại dịch covid-19 xuất hiện (năm 2020) và bùng phát (năm 2021), nhưng GDP vẫn là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương và năm 2023 nằm trong TOP ít nền kinh tế tăng cao nhất; (ii) dân số tăng chậm lại, tỷ lệ tăng tự nhiên năm 2023 chỉ còn 0,84%; (iii) tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định, nhờ có nguồn ngoại tệ vào lớn (từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ xuất siêu, từ kiều hối,…), từ sự điều hành tỷ giá trung tâm hay tiền gửi ngoại tệ có lãi suất bằng 0%, có nguồn dự trữ ngoại tệ vượt 3 tháng nhập khẩu theo thông lệ,… áp lực găm giữ ngoại tệ trên thị trường giảm; (iv) tài khóa, tiền tệ nới lỏng sớm so với nhiều nền kinh tế lớn...
Dương Ngọc ( VnEconomy)